Sunday, July 11, 2021
Danh Nghĩa Tam Bảo.
Nói về phần khái yếu, Tam-bảo có ba bậc là: Ðồng-thể-Tam-bảo, Xuất-thế-Tam-bảo, và Trụ-trì-Tam-bảo.
- Về Ðồng-thể-Tam-bảo, thì Ðồng-thể-Phật-bảo là chỉ cho chân tánh đồng đẳng sáng suốt của chư Phật và tất cả chúng-sanh. Ðồng-thể-Pháp-bảo, tức là nói tất cả chúng-sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi, trí huệ. Ðồng-thể-Tăng-bảo là chỉ cho thể tánh thanh tịnh, sự lý hòa hợp của chư Phật và chúng-sanh.
- Về Xuất-thế-Tam-bảo, thì Xuất-thế-Phật-bảo chỉ cho Ðức Thích-Ca-Mâu-Ni, Ðức A-Di-Ðà và chư Phật trong mười phương, đã được giác ngộ tự tại, thoát khỏi vòng ràng buộc của thế gian. Xuất-thế-Pháp-bảo, chỉ cho chánh-pháp của Phật như Tứ-đế, Thập-nhị-nhân-duyên, Lục-độ, nói chung là ba tạng kinh, có công năng làm cho chúng-sanh vượt khỏi nẻo sanh-tử luân-hồi. Xuất-thế-Tăng-bảo, là các bậc thánh-tăng như Văn-Thù, Phổ-Hiền, A-Nan, Ca-Diếp, những vị đã siêu thoát ba cõi, chứng quả Niết-bàn.
- Về Trụ-trì-Tam-bảo, thì Trụ-trì-Phật-bảo là chỉ cho những tượng Phật bằng kim khí, bằng gỗ, bằng sành, đất, xi măng, thêu trên vải hay vẽ trên giấy. Trụ-trì-Pháp-bảo là ba tạng giáo điển kinh, luật, luận viết hay in trên giấy, trên vải, trên lá buông, hoặc khắc chạm vào gỗ, đồng, đá. Trụ-trì-Tăng-bảo, chỉ cho các vị Tỷ-khưu tu hành chân chánh, giới hạnh trong sạch trang nghiêm.
Nói tóm lại, Ðồng-thể-Tam-bảo là lý tánh đồng đẳng của Phật, Pháp, Tăng. Xuất-thế-Tam-bảo chỉ cho đức siêu thoát thế gian của ba ngôi báu. Trụ trì Tam-bảo là hình tướng Tam-bảo lưu trụ ở đời để duy trì đạo pháp, làm nhân duyên độ chúng-sanh.
Ngoài ra về Tăng, lại có Phàm-phu-tăng và Thắng-nghĩa-tăng. Phàm-phu-tăng là những vị xuất-gia cạo tóc mặc pháp phục, chưa chứng đạo quả. Thắng-nghĩa-tăng là những vị đã chứng thánh-quả, đúng với nghĩa thanh tịnh giải thoát của Tăng, không luận về hình tướng. Như thuở xưa, sau khi Phật diệt độ, ở xứ Thiên-Trúc có một vị Sa-môn tu chứng quả A-na-hàm. Vừa lúc đắc đạo, vị đại-đức nầy liền dùng phép thần túc đi mau lẹ như khoảng co duỗi cánh tay, lên trên cung trời Ðâu-Suất để yết kiến đức Di-Lặc. Nhưng khi đến nơi, ông thấy Ðức Di-Lặc tuy có 32 tướng, song còn để tóc, đầu đội thiên quan, mình mặc thiên y xinh đẹp, đeo chuỗi ngọc và những đồ nghiêm sức rực rỡ của cõi trời. Thấy thế, vị Sa-môn bỗng sanh quan niệm chấp trước rằng: ta không nên đem hình thức tôn trọng của người xuất-gia, mà đảnh lễ vị mang hình tướng thế tục. Nghĩ xong, ông vội hiện thần thông trở xuống hạ giới. Về sau, việc nầy lan truyền ra, các vị tôn đức khác phê bình ông còn chấp hình thức phương tiện của Phàm-phu-tăng, mà không đạt phần chân thật của Thắng-nghĩa-tăng, nên để mất sự lợi ích nghe pháp với một vị Nhất-Sanh Bồ-Tát. Chuyện trên đây cũng đáng làm gương cho hàng Phật-tử xuất-gia, tại-gia suy gẫm.
Ðể nói rộng thêm, xin lược dẫn một đoạn kinh thuyết minh về ý nghĩa Tam-bảo:
“Bấy giờ, Từ-Thị Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát thưa rằng: “Bạch Thế-Tôn! Sao gọi là Phật, Pháp, Tăng-bảo? Phải nên quy-y thế nào? Ðức Phật bảo: - Nầy Từ-Thị! Phật bảo có hai: Phật-thân và Phật-đức. Phật-thân là thân Như-Lai có 32 tướng, đủ mười hiệu, từ vô lượng kiếp về quá khứ đã không tiếc thân mạng tu viên mãn sáu độ muôn hạnh, đời nay ngồi nơi cội bồ-đề dứt hết kiến hoặc, hàng phục ma quân, được nhất thiết chủng trí, thành ngôi Chánh-đẳng-chánh-giác. Phật-đức là Như-Lai có đủ mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi đại hỷ đại xả, ba môn giải thoát, sáu phép thần thông, lìa phiền não chướng, sở tri chướng và tất cả tập khí, được Tứ-trí, Nhị-trí, Vô-công-dụng-đạo, khởi hiện như huyễn hóa, đi xa hoặc gần đều tự tại không chướng ngại, có thể để vô lượng núi Tu-Di trong một hạt cải... Những công đức như thế vô lượng vô biên, Như-Lai thảy đều đầy đủ.
Pháp bảo có ba thứ: Ðệ-nhất-Pháp-bảo là Niết-bàn, cam-lộ, giải-thoát, lấy thường, lạc, ngã, tịnh làm thể tánh, hay thoát ly sanh già bịnh chết, lo thương buồn rầu. Ðây chính là pháp-thân giải thoát của Ma-Ha-Bát-Nhã. Ðệ-nhị-Pháp-bảo là các công đức mầu thuộc giới, định huệ, và ba mươi bảy phần bồ-đề như: Tứ-niệm-xứ, Tứ-chánh-cần, Tứ-thần-túc, Ngũ-căn, Ngũ-lực, Thất-giác-chi, Bát-chánh-đạo. Ba mươi bảy phần nầy làm phương tiện cho Pháp-bảo thanh tịnh trước. Nói phương tiện là vì tu pháp nầy có thể chứng được Pháp-thân thanh tịnh. Ðệ-tam-Pháp-bảo, là chánh-pháp mà vô lượng Căng-già-sa chư Phật đời quá khứ và ta đã nói ra, như tám muôn bốn ngàn diệu pháp uẩn, để điều phục chúng-sanh thuần thục, hữu duyên, khiến cho A-Nan và các đại đệ-tử một phen nghe đều ghi nhớ hết. Chánh-pháp nầy nhiếp thành năm phần: Tô-Đát-Lãm, Tỳ-Nại-Gia, A-Tỳ-Đạt-Ma, Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa, và Ðà-La-Ni môn. Như-Lai và các đệ-tử dùng năm tạng nầy hóa đạo chúng-sanh, tùy căn cơ đáng độ mà vì thuyết pháp. Nếu những hữu-tình ưa ở rừng núi và chỗ thanh vắng u nhàn mà tu tịnh lự, thì vì họ nói tạng Tô-Đát-Lãm. Nếu những hữu-tình ưa tập giới hạnh oai nghi để hộ trì chánh-pháp khiến cho một vị hòa hợp, được trụ lâu nơi đời, thì vì họ nói tạng Tỳ-Nại-Gia. Nếu những hữu-tình ưa phân biệt tánh tướng của các pháp, tìm tòi nghiên cứu đến chỗ rốt ráo u thâm, thì vì họ nói tạng A-Tỳ-Đạt-Ma. Nếu những hữu-tình ưa tu tập trí huệ chân thật của Ðại-thừa, xa lìa ngã chấp, pháp chấp, thì vì họ nói tạng Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa. Nếu những hữu-tình không thể thọ trì khế kinh, điều phục, đối pháp, Bát-nhã; hoặc tạo các nghiệp ác như: tứ-trọng, bát-trọng, ngũ-vô-gián, nhất-xiển-đề, (vô-tính-căn: không tin Phật-pháp) báng kinh Phương-đẳng, thì vì họ nói tạng Ðà-La-Ni, khiến cho được mau tiêu trừ tội chướng, chứng ngộ Niết-bàn. Năm pháp tạng nầy ví như các vị: nhũ, lạc, sanh-tô, thục-tô, đề-hồ; khế kinh như nhũ, điều phục như lạc, đối pháp như sanh-tô, Bát-nhã như thục-tô, tổng trì như đề-hồ. Trong năm vị, đề-hồ là vi diệu bậc nhất, vì hay trừ các bịnh khiến cho loài hữu-tình thân tâm an vui. Cũng như thế, trong năm tạng, Ðà-La-Ni là bậc nhất, vì hay tiêu trừ tội nặng khiến cho chúng-sanh mau thoát vòng sanh-tử, chứng pháp-thân tâm an lạc của Niết-bàn. Khi ta diệt độ, phú chúc cho A-Nan thọ trì tạng Tô-Đát-Lãm, Ưu-Ba-Ly thọ trì tạng Tỳ-Nại-Gia, Ca-Ða-Diễn-Na thọ trì tạng A-Tỳ-Đạt-Ma, Mạn-Thù-Thất-Lỵ Bồ-Tát thọ trì tạng Bát-Nhã, Kim-Cương-Thủ Bồ-Tát thọ trì tạng Ðà-La-Ni.
Tăng bảo cũng có ba là: Ðệ-nhất-nghĩa-tăng, Thánh-tăng và Phước-điền-tăng. Ðệ-nhất-nghĩa-tăng là chư Phật thánh-tăng như pháp mà trụ, không thể nhìn thấy, cầm nắm, phá hoại, hoặc thiêu đốt, làm hại, không thể nghĩ bàn! Ðây là những phước điền tốt đẹp của tất cả chúng-sanh, tuy làm phước điền mà không nhận lãnh, và các pháp công đức thường không biến đổi. Thánh-tăng là Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm hướng, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả, Bích-Chi-Phật hướng, Bích-Chi-Phật quả, Bát-đại-nhân-giác, Tam-hiền, Thập-thánh. Phước-điền-tăng là các vị Bí-sô, Bí-sô-ni giữ gìn giới hạnh, học nhiều, trí huệ, ví như cây Thiên-ý hay che mát chúng-sanh. Lại như đám mưa rào mát ngọt hay thắm nhuần giúp ích kẻ lữ hành khô khát đang đi nơi đồng hoang bãi sa mạc, như tất cả châu báu xuất sanh từ biển nước mặn. Phước-điền-tăng cũng như thế, hay cho loài hữu-tình sự an ổn vui tươi.
Nầy Từ-Thị! Trong ba ngôi Tăng-bảo như thế, tuy cũng đồng quy-y, nhưng điểm tất yếu là quy-y Ðệ-nhất-nghĩa-vô-vi-Tăng-bảo. Tại sao thế? Vì Ðệ-nhất-nghĩa-tăng là Thường-trụ-tăng. Ngôi Tăng-bảo nầy vô lậu vô vi, không biến không đổi, là pháp tự chứng. Quy-y ngôi Tăng-bảo vô lậu như thế, hay tiêu diệt tất cả sự khổ ách. Khi quy-y nên nguyện các hữu-tình đều được công đức vô lậu, và nguyện khi mình đắc độ rồi, sẽ diễn pháp tam thừa hóa đạo chúng-sanh. Lại nguyện rằng: “Ta nay quy-y Phật, Pháp, Tăng-bảo không vì sợ hãi nỗi khổ trong ba đường ác, cũng không mong hưởng phước báo cõi trời cõi người, mà chính muốn cứu độ loài hữu-tình thoát nẻo luân-hồi khổ não. Ðó gọi là phép quy-y”. (Kinh Ðại-Thừa-Lý-Thú-Lục-Ba-La-Mật.).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).PHAT GIAO CHUYEN PHAP LUAN.TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.11/7/021.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment