Monday, July 19, 2021
Quy y Tam Bảo.
Tất cả các truyền thống Phật giáo đều đồng ý rằng quy y Tam Bảo là bước quan trọng để trở thành một phật tử. Mọi người có thể quy y Tam Bảo vì những lý do khác nhau, nhưng sự quy y chín chắn được xuất phát từ sự thấu hiểu và trải nghiệm các giáo lý, rồi tự mình xác định lời dạy của Đức Phật là chân thật. Phương pháp chủ yếu Đức Phật hướng dẫn chúng ta là tu tập theo con đường giải thoát và giác ngộ. Kinh Thiền Định Vương (Samādhirāja Sūtra) dạy rằng: Chư Phật không rửa sạch những phiền não nhiễm ô bằng nước, xóa sự đau khổ của chúng sanh bằng bàn tay, hoặc chuyển trí tuệ của các ngài cho người khác được, các ngài hướng dẫn giải thoát chúng sanh qua sự giảng dạy về chân lý.
Chúng ta theo sự hướng dẫn này, tu tập cho chính mình; không ai có thể tu dùm cho chúng ta. Đức Phật khuyến khích chúng ta tìm ra chân lý qua giáo lý thực nghiệm chứ không nên tuân theo lời dạy của ngài một cách mù quáng. Đặc biệt ở trong thế kỷ thứ 21, khi trình độ học vấn và sự giáo dục tôn giáo được phổ thông, nên con người khó hài lòng với niềm tin mù quáng. Để lợi ích cho thế hệ tương lai, chúng ta phải học và tu tập một cách chân chánh, rồi hướng dẫn cho người khác, chỉ ra sự lợi ích của sự tu học Phật pháp qua thân giáo hàng ngày.
Để hiểu quy y một cách đúng đắn, chúng ta cần phải nhận định và hiểu rõ ràng về Tam bảo. Để làm được điều này, điều quan trọng là hiểu Tứ diệu đế. Dựa trên quy y, chúng ta sẽ tiếp tục tu học và thiền quán về lời Phật dạy. Lòng tha thiết quy y sẽ thúc đẩy chúng ta tinh tấn tu học nhiều hơn. Quy y và hiểu pháp sẽ hỗ trợ lẫn nhau.
TAM BẢO
Trong kinh tiếng Pāli và Phạn, Đức Phật dạy rằng ai nhìn thấy lý nhân duyên (interdependent nature) là thấy pháp, và ai thấy pháp là thấy Như Lai. Đại sư Long Thọ xác định rằng hiểu lý nhân duyên của các pháp là chìa khóa để xác minh về Tam Bảo.
Khi quán sát như vậy, chúng ta thấy rằng ngã và pháp phụ thuộc lẫn nhau. Ba khía cạnh của sự phụ thuộc là:
1) Các pháp hữu vi tùy thuộc vào nhân duyên của chúng, mầm phát sinh từ hạt giống, và những kinh nghiệm của chúng ta hiện nay phụ thuộc do những hành động trong kiếp trước.
2) Các pháp vô thường và thường đều phụ thuộc vào các thành phần cấu tạo của chúng. Tay, chân, và bộ phận nội tạng tạo nên cơ thể của chúng ta được cấu tạo từ đất, nước, gió, lửa. Tâm trí của ta được hợp thành do sự liên tục nối tiếp của những sát na tâm.
3) Trong mức độ vi tế nhất, tất cả các pháp hình thành phụ thuộc vào tâm để nhận biết và định danh chúng. Trên cơ sở của hai tay, hai chân, thân, đầu, vv… tâm nhận ra và chỉ định là cơ thể. Sự kết hợp của cơ thể và tâm tạo thành con người.
Vô minh là gốc rễ của luân hồi, chấp ngã pháp là thật – độc lập, không liên quan gì đến các cái khác như nhân duyên, thành phần cấu tạo, và tâm để nhận và dán nhãn tên cho chúng.
Bởi vì ngã pháp tồn tại tương duyên với các yếu tố khác, không có gì là độc lập, cố hữu. Vì vậy, vô minh là tâm sai lầm bởi lẽ thiếu một nền tảng sáng suốt vững chắc. Mặt khác, trí tuệ là một tâm đáng tin cậy, bởi lẽ nó biết rõ thực tại, giác biết ngã và pháp không có sự tồn tại cố hữu, chỉ dựa vào nhân duyên phụ thuộc với nhau. Trí tuệ nhận biết thực tại có thể phá tan vô minh, khiến khả năng giải thoát có thể đạt được. Khi tập thiền thường xuyên, trí tuệ có thể hoàn toàn loại bỏ vô minh từ dòng tâm thức của chúng ta để đưa đến trạng thái giải thoát.
Bằng cách này, lý nhân duyên giúp chúng ta hiểu được lý Tứ diệu đế, để hình thành nền tảng cơ bản về giáo lý của Đức Phật. Vì vô minh chúng ta sinh ra phiền não, tạo nghiệp và dẫn đến khổ (duḥkha). Đức Phật giảng hai chân lý đầu tiên về khổ đế và tập đế. Chúng ta hiểu được hai đặc tánh vô ngã và không cũng qua lý nhân duyên: ngã pháp là không có thực thể độc lập bởi lẽ chúng phụ thuộc lẫn nhau. Lý không và lý nhân duyên được thiết lập bằng lý luận và trực tiếp trải nghiệm lẫn nhau.
Đế thứ tư là trí tuệ giác ngộ lý không, đạo đế, loại bỏ tà kiến, vô minh, và phiền não do hiểu sai thực tại phát sanh. Bằng cách này, chúng ta sẽ trải nghiệm một trạng thái thực tại trong đó các vô minh và phiền não đã được loại bỏ. Đây là niết bàn, đế thứ ba trong tứ diệu đế.
Đó là sự hiện hữu bốn chân lý của một bậc thánh. Hai chân lý sau là diệt đế và đạo đế, đóng vai trò như là Pháp bảo. Ai đã đạt một phần kinh nghiệm trong đạo đế và diệt đế là Tăng bảo (Sangha jewel). Khi loại hết tất cả phiền não và kiết sử và các công hạnh tu tập khác đã được hoàn hảo thì hành giả trở thành Phật bảo (Buddha jewel). Vì vậy, chúng ta có thể chứng minh sự tồn tại của Tam Bảo bắt đầu với hiểu biết lý không và lý nhân duyên. Đức Phật nói những ai nhìn thấy lý duyên khởi là thấy pháp, những ai thấy pháp là sẽ thấy Như Lai.
Hiểu được điều này khiến chúng ta tăng niềm tin vào Tam Bảo bởi vì chúng ta hiểu rằng khả năng phát triển tinh thần là do trở về nương tựa vào Tam Bảo. Bằng cách này, giác ngộ được Tứ đế, sẽ cho ta một lòng quyết tâm rằng không chỉ tin vào Tam Bảo như là một hướng dẫn tinh thần đưa chúng ta đến giác ngộ viên mãn, mà còn tin rằng chúng ta cũng có thể trở thành Tam Bảo trong chính chúng ta.
Trong lịch sử, thứ tự của Tam Bảo như sau: Đức Phật xuất hiện, ngài thuyết Pháp. Qua sự tu hành Pháp, những đệ tử chứng ngộ, gọi là thánh Tăng (āryas). Bậc xuất gia giác ngộ pháp bảo bằng cách tu tập đạo đế, đạt được diệt đế, do đó vị ấy trở thành Tăng bảo (Saṅgha jewel). Qua hành trì Pháp bảo, khi giác ngộ viên mãn, tăng bảo trở thành Phật bảo (Buddha jewel.)
ĐỨC TÁNH CỦA NHƯ LAI
Học về đức tánh quý báu của Tam Bảo, đặc biệt của Như Lai giúp chúng ta có lòng tin vững chắc khả năng hướng dẫn của Chư Phật để vượt khỏi luân hồi sanh tử. Cả hai truyền thống tiếng Pāli và Phạn đều ca ngợi về các đức tánh của Như Lai tánh: bốn vô úy, mười lực, và mười tám đức.
Luận Sư Nguyệt Xứng (Candrakirti) trích dẫn một đoạn trong Trung Quán Luận (Madhyamakāvatāra 6.210cd) cũng trong kinh Pāli (MN 12:22–26) mô tả về bốn tự tin (tứ vô úy) của Như Lai ví như “tiếng rống sư tử giữa hội chúng”.
Chưa từng có một vị ẩn sĩ, tu sĩ Bà La Môn, thần, hay bất cứ ai khác có thể buộc tội Đức Phật rằng (1) tuyên bố giác ngộ tuy rằng Đức Phật chưa hoàn toàn giác (2) tuyên bố loại bỏ hết các lậu hoặc (āsava, āśrava) khi chưa thật tiêu diệt được, (3) gọi kiết sử khi không phải là kiết sử (4) dạy Pháp không hoàn toàn đạt được diệt đế (khổ diệt). Với bốn vô úy này, khiến Như Lai dạy giáo pháp với sự tự tin hoàn hảo, giải toả tất cả các nghi ngờ bởi vì ngài đã giác ngộ viên mãn biết hết các pháp, diệt tận các lậu hoặc, xác định chính xác chướng ngại trên đường đạo, và dạy giáo lý để hướng dẫn hành giả đạt đến niết bàn.
Mười lực là khả năng phi thường của Như Lai. Với mười lực, khiến ngài hoàn thành mạnh mẽ các công hạnh, truyền bá chánh pháp tại thế gian này, và khéo léo hướng dẫn dạy chúng sinh đạt đến giác ngộ. Trong kinh điển tiếng Pāli (MN12) và Phạn (Daśabhūmika Sūtra), mười năng lực diệu dụng phát xuất từ trí tuệ siêu việt đã loại bỏ tất cả các lậu hoặc và thông suốt các pháp.
Trừ khi có ghi chú khác, những giải thích dưới đây được trình bày ở cả hai truyền thống.
1) Với trực giác, Như Lai biết cái gì duy trì hay không duy trì được, biết mối tương quan giữa nghiệp quả cũng như những hạnh nghiệp giữa hiền thánh và chúng sanh.
2) Chỉ có Như Lai mới biết hoàn toàn sự phức tạp của nghiệp quả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, kể cả những nguyên nhân vi tế dẫn đến những trải nghiệm cụ thể trong nhiều kiếp sống từ vô thủy của mỗi chúng sanh.
3) Như Lai biết được các nghiệp đa dạng – cảnh giới luân hồi sanh tử và đường đưa đến tái sanh của chúng sanh. Ngài cũng biết điểm đến của bậc thánh trong ba thừa, Niết bàn, và phương pháp để đạt đến đó.
4) Như Lai hoàn toàn hiểu biết về thế giới và những yếu tố (dhātu) hợp thành nó như mười tám giới (dhātu), sáu căn, sáu trần (āyatana), mười hai nhân duyên (nidāna), hai mươi hai lực (indriya), vv …Với trí tuệ, ngài thấy chúng vô thường, hữu vi và tùy thuộc nhân duyên.
5) Như Lai biết căn cơ khác nhau của chúng sanh (adhimutti, adhimokṣa) – những mục đích tâm linh và trường phái Phật giáo nào thích hợp với họ. Điều này giúp ngài có thể giảng dạy theo từng căn cơ, khả năng và nguyện vọng của họ.
6) Như Lai biết năm lực như tín (sad-dhā, śraddhā), tấn (viriya, vīrya), niệm (sati, smṛti), định (samādhi), và tuệ (paññā, prajñā) của từng căn cơ chúng sanh và hướng dẫn phù hợp với căn cơ của chúng sanh.
7) Như Lai đã chứng các tầng thiền (jhanas), đạt tám tam muội giải thoát (vimokkha, vimokṣa), và chín tầng định (samāpatti), ngài quan tâm đến phiền não chướng, trạng thái thanh tịnh hóa, xuất thiền (Pāli: sankilesa, vodāna, vuṭṭhāna). Phiền não chướng làm chướng ngại sự nhập định. Sau khi nhập định, nó lại cản trở sự an trú. Trạng thái thanh tịnh hóa là phương pháp loại bỏ kiết sử. Xuất định là phương pháp xả thiền sau khi đã nhập. Ngài hướng dẫn chúng ta nhập thiền mà không bám vào thiền vị để đạt đến Niết bàn.
8) Qua túc mạng minh, Như Lai biết được những kiếp sống quá khứ của mình với những hạnh nghiệp cụ thể. Túc mạng minh và minh kế tiếp là hai minh cuối cùng (abhiññā, abhijñā). Vì vậy, ngài biết hết các mối liên quan trước đây với từng chúng sinh và biết nên dùng mối quan hệ nào để giúp chúng sanh trong hiện tại cũng như tương lai.
9) Với thiên nhãn minh, Như Lai nhìn thấy chúng sanh chết đây sanh kia theo nghiệp của họ. Biết được điều này, Ngài làm bất cứ điều gì có lợi để hướng dẫn mỗi chúng sanh trên con đường giác ngộ.
10) Với lậu tận minh, bây giờ và ở đây Như Lai nhập và an trú vào tâm giải thoát vô nhiễm (cetovimutti, cittavimukti), tuệ giải thoát (paññāvimutti, prajñāvimukti) và biết rằng tất cả hoặc lậu đã được loại trừ. Ngài biết khả năng giác ngộ và chứng đạt của mỗi chúng sanh trong ba thừa. Ba minh sau cùng là ba trí (tevijjā, trividyā) mà Đức Phật đắc được khi tọa thiền vào đêm trước khi Ngài giác ngộ. Những kinh trong truyền thống Pāli và Phạn ngữ (Kinh Bát Nhã Ba La Mật Prajñāpāramitā sutras) mô tả mười tám hạnh của một vị Phật mà những vị A-la-hán không có được (aṭṭhārasāveṇikabuddhadhammā, aṣṭādaśāveṇika buddhadharma) như sau:
Sáu Hạnh
Do chánh niệm và tỉnh giác khi đi, đứng, nằm, ngồi, Như Lai không có làm lỗi trong thân hành khi đi đứng nằm ngồi. Ngài luôn hành động theo như những gì ngài nói và luôn đáp ứng với nhu cầu của mỗi chúng sanh trong khoảnh khắc đó.
Với lời nói mềm mại, phù hợp, chân thực, Như Lai thoát khỏi khẩu nghiệp của nói thị phi tán gẫu và không tranh chấp với thế giới, không than phiền, không bàn cãi về những gì người khác đã làm.
Như Lai hoàn toàn thông suốt và thấy rõ các căn cơ của chúng sanh và hướng dẫn họ một cách thích hợp.
Như Lai luôn an trú trong thiền định tánh không, và đồng thời cũng thuyết Pháp cho tất cả chúng sanh.
Như Lai giác ngộ vô ngã và vô pháp, nên ngài không thiên vị với chúng sanh.
Như Lai trụ trong tâm xả hoàn hảo và biết rõ từng đặc tính của mỗi hiện tượng.
Sáu Pháp
Do lòng từ bi, Như Lai không bao giờ mệt mỏi trong hạnh nguyện mang lợi ích cho tất cả chúng sanh và giúp họ tăng trưởng công hạnh.
Như Lai không bao giờ lười biếng trong việc giác ngộ chúng sanh. Thân khẩu ý của ngài không mệt mỏi và giải đãi trong chí nguyện mang lợi lạc đến cho số đông.
Như Lai luôn an trú trong chánh niệm liên tục để rõ hoàn cảnh mỗi chúng sanh trong quá khứ, hiện tại, tương lai và đưa ra các phương pháp để giúp điều phục họ.
Như Lai luôn trong trạng thái nhập định (Samadhi), thoát khỏi các kiết sử và trú tâm ở thực tại tối hậu.
Trí tuệ của Như Lai vô tận và không bao giờ suy thoái. Ngài biết một cách hoàn hảo 84,000 pháp môn và giáo lý của ba thừa, và biết thời điểm khi nào và thế nào để diễn tả chúng cho chúng sanh.
Như Lai không bao giờ mất trạng thái toàn giác, thoát kiết sử lậu hoặc. Ngài biết tâm bản lai luôn chiếu sáng, không còn đối đãi nhị nguyên.
Ba Giác
Với trí tuệ siêu việt, Như Lai luôn hành đạo vì lợi ích của chúng sanh. Ngài thị hiện nhiều hóa thân tại bất kỳ nơi nào để được dẫn dắt chúng sanh trên con đường giác ngộ. Bất kỳ cái gì Như Lai làm đều có hiệu quả tích cực cho chúng sanh và điều phục tâm của họ.
Như Lai giảng pháp thích hợp theo nhu cầu, ý thích của mỗi chúng sinh. Lời dạy của Ngài thông suốt, chính xác, rõ ràng và dễ nghe không dối gạt đưa chúng sanh đi sai đường.
Với lòng tràn đầy từ bi không mệt mỏi, Như Lai thương yêu tất cả chúng sanh và chỉ làm cái gì mang giá trị lợi ích cao nhất. Ngài kiên trì tinh tấn thông đạt các pháp.
Tam Tuệ
Trí tuệ của Như Lai biết tất cả ba thời, quá khứ, hiện tại, và tương lai một cách rõ ràng không có lỗi lầm hay chướng ngại. Sự biết của Ngài về tương lai không có nghĩa là mọi sự đã định sẵn. Thay vào đó, ngài biết rằng nếu chúng sanh làm hành động gì đó thì kết quả sẽ theo sau, và nếu có một hành động khác thì kết quả khác sẽ đưa đến nữa. Ngài biết tất cả các cõi Phật, cảnh giới và hạnh nghiệp của các loài chúng sanh.
Khi nghiên cứu những đoạn kinh như trên, chúng ta hiểu thêm về những năng lực diệu dụng đặc biệt của Phật. Quán niệm những công hạnh này, sẽ mang sự hoan hỉ và phát triển tâm linh của chúng ta. Những đoạn kinh này cũng cho chúng ta biết về những diệu dụng mà chúng ta sẽ có thể đạt được, nếu chúng ta biết tu tập theo lời Phật dạy này. Bốn vô úy và mười lực trong truyền thống Pāli và Phạn ngữ có sự khác biệt không đáng kể về, tuy nhiên truyền thống Phạn nhấn mạnh làm thế nào những khả năng này có thể làm lợi cho chúng sanh.
TAM BẢO TRONG TRUYỀN THỐNG PĀLI
Phật tử quy y Tam Bảo chứ không hẳn quy y một truyền thống, tông phái hoặc một vị thầy riêng biệt nào. Tam Bảo là nơi nương tựa tâm linh của chúng ta. Truyền thống Pāli và Phạn chứa nhiều điểm chung, và riêng khi mô tả về Tam Bảo. Trước hết chúng ta nghiên cứu truyền thống Pāli.
Phật bảo là vị Phật lịch sử đã sống cách đây khoảng 2,600 năm và đã chuyển Pháp luân vì lợi ích của chúng sinh. Đức Phật thường sử dụng thuật ngữ Như Lai khi nói về mình (Tathāgata), “người đã đi từ cõi chân như như thế” (one thus gone), bởi lẽ Ngài đã qua đến bờ Niết Bàn vô vi, bằng phương pháp chỉ quán và tuệ quán, tu tập và thành quả. Như Lai (Tathāgata) cũng có ý nghĩa “người đã đến từ cõi chân như như thế” (one thus come) bởi vì ngài đã đến Niết Bàn giống như tất cả các chư Phật trước đó, bằng cách hoàn thiện ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười ba la mật; thân thí, tài thí, và pháp thí.
Với trí tuệ toàn giác thấu hiểu về bản chất thế giới, nguồn gốc, sự diệt tận và con đường đưa đến sự diệt tận, Như Lai hoàn toàn thấu hiểu và nhận biết được tất cả những gì thấy, nghe, cảm xúc, sờ, nếm và giác biết các pháp như chúng đang là. Những gì ngài nói là đúng sự thật và chính xác. Lời nói và hành động của Ngài phù hợp với nhau. Ngài đã chinh phục được phiền não. Do đó, Ngài có đại hùng lực để mang lợi ích cho thế gian.
Như Lai đã nhận ra hai nguyên lý tuyệt vời: duyên khởi và niết bàn. Duyên khởi được áp dụng cho toàn thế giới luân hồi hữu vi của khổ và khổ tập. Các pháp sinh khởi tùy thuộc vào duyên cụ thể của chúng (idappaccayatā, idampratyayatā) đều là vô thường. Niết Bàn là vô vi, diệt đế được đạt đến do đạo đế. Lý Duyên khởi và Niết Bàn bao gồm trong tất cả các pháp, do đó nếu hiểu được điều đó là hiểu rõ tất cả các pháp hiện hữu.
Đức Phật được tán thán như bậc đã chứng pháp và truyền pháp cho chúng sinh. Một đoạn kinh Pāli nổi tiếng đã diễn tả mối quan hệ giữa Pháp và Phật. Một hôm thầy Vakkali khi đang bệnh trầm trọng và nói hối tiếc không gặp được Phật sớm hơn, Đức Phật trả lời (SN 22:87) như sau:
Đủ rồi Vakkali! Sao con lại phải muốn thấy thân bất tịnh này? Ai thấy pháp là đã thấy ta; ai thấy ta là đã thấy pháp. Thấy và biết Phật không phải qua hình tướng mà qua sự phát triển thiền định. Gần gũi Phật có nghĩa là tu tập đạo đế và chứng ngộ diệt đế mà Đức Phật đã trải nghiệm. Tâm chúng ta càng được chuyển hóa nhiều thì mức độ chúng ta càng thấy Đức Phật gần hơn. Trong cuốn chú giải Tuyển Tập Kinh Liên Kết (Sāratthappakāsinī), đại sư Phật Âm (Buddhaghosa) giải thích như sau:
Ở đây, Đức Phật chỉ ra chính mình như là Pháp Thân (dhammakāya), như đoạn kính: “Như Lai, bậc đại vương, là Pháp thân”. Chín pháp siêu thế (bốn thánh đạo, bốn quả, và niết bàn) được gọi là thân của Như Lai.
Pháp bảo là bao gồm diệt đế và đạo đế. Diệt đế là mục đích của việc tu tập tâm linh. Đó là Niết Bàn vô vi bất tử. Niết Bàn không sanh khởi do nhân duyên và cũng không vô thường thay đổi trong từng phút giây. Bốn thuật từ đồng nghĩa của Niết Bàn mô tả những góc cạnh đa dạng khác nhau: (1) Diệt tận lậu hoặc của tham, sân, si, và đặc biệt là ái dục. (2) Vô tham, vô sân, vô si (3) Bất tử thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử luân hồi. (4) Siêu việt tối thượng, thường còn, và vô tận.
Đạo đế là bát chánh đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga, āryāṣṭāṅgamārga) dẫn đến Niết Bàn. Để tiến tu đạo đế, trước hết chúng ta hành trì bát chánh đạo bằng cách trì giới, tu tứ niệm xứ và chánh định. Khi lực định tăng trưởng, chúng ta nhận ra thân, thọ, tâm, pháp là vô thường, khổ, vô ngã và chúng ta sẽ đạt đến một điểm mà trí tuệ đột phá (paññāya abhisamaya) xuất hiện và giác ngộ Niết Bàn. Qua thiền định, trí tuệ liễu ngộ chân lý tối thượng. Lậu hoặc tiêu tan, và khi xuất định, vị ấy trở thành bậc nhập dòng thánh (arya) với quả vị Tu đà hoàn (Nhập lưu). Định này vượt trên các định khác bởi vì đưa chúng ta đến kết quả lợi ích lâu dài, vượt lên trên thiền sắc giới và vô sắc giới.
Tăng bảo là một cộng đồng của các thánh (ariyas) giác ngộ Niết Bàn, trở thành cao quý (noble) và được chia tám bậc, bốn cặp:
1) Tu đà hoàn hướng và Tu đà hoàn quả (Nhập Lưu, sotāpanna, srotāpanna)
2) Tư đà hoàn hướng và Tư đà hoàn quả (Nhất Lai, sakadag-ami, sakṛtāgāmi)
3) A-na-hàm hướng và A-na-hàm quả (Bất Lai, anāgāmi)
4) A-la-hán hướng và A-la-hán quả (Bất sanh, arhat).
Trong giai đoạn tiến triển của mỗi cặp, hành giả đang trong tiến trình của hướng đến quả và đạt quả. Mỗi đạo lộ được đánh dấu một bước đột phá trong đó hành giả có thể thấy Niết Bàn rõ hơn và có thể loại trừ một phần của các lậu hoặc nào đó. Hành giả đạt được bốn cặp này được gọi là thánh Thanh Văn (śrāvaka) bởi lẽ đã chứng đắc và xứng đáng nhận cúng dường. Ai cúng dường cho các bậc thánh Thanh Văn sẽ gặt hái nhiều công đức, đưa đến tái sanh cảnh giới tốt đẹp cao hơn và tiếp tục tu tiếp.
Chứng ngộ Tứ diệu đế là sự thiết yếu của Đạo đế. Khi nào mức tu tập của hành giả đã thuần thục, Đức Phật sẽ dạy tiếp các pháp khác. Sau khi thâm nhập đầy đủ về Tứ diệu đế tức là chuyển tiếp thực hành Ba mươi bảy phẩm trợ đạo giác ngộ và tu tập thiền chỉ và thiền quán, lúc đó hành giả sẽ chứng Tu Đà Hoàn (stream enterer), trải nghiệm một bước đột phá, gọi là khai mở pháp nhãn vì đây là lần đầu tiên ta trực tiếp thấy pháp, chứng nghiệm lời Phật dạy, Niết bàn. Điểm này bước chuyển biến hành giả từ phàm đến thánh.
Qua sự trực giác Niết Bàn, những vị Tu Đà Hoàn dứt toàn tam kiết (samyojana, saṃyojana):
1) Hành giả không còn nắm giữ bản ngã (sakkāyadiṭṭhi, satkāyadṛṣṭi) cho có một ngã liên quan với ngũ uẩn. Một ngã như vậy là một cái tôi đồng nghĩa với các uẩn, sở hữu các uẩn, bị sở hữu bởi uẩn và bên trong uẩn (giống như viên ngọc trong hộp) hoặc chứa các uẩn (giống như một hộp chứa năm viên ngọc).
2) Nghi (vicikicchā, vicikitsā) rằng Phật, Pháp, Tăng là nơi để quy y sẽ biến mất,
3) Hành giả loại bỏ quan điểm giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa, śīlavrata- parāmarśa).
Những vị Tu Đà Hoàn tuy trì giới luật và thực hành nghi lễ nhưng không chấp nghi lễ có thể đem lại sự giải thoát.
Những vị Tu Đà Hoàn (Nhập Lưu) có thể là tu sĩ hoặc các cư sĩ. Các tu sĩ giữ giới luật xuất thế trong khi các cư sĩ giữ năm giới. Tuy những vị Tu Đà Hoàn vẫn có thể phạm lỗi, vẫn sân hận, nhưng hành giả không che đậy những lỗi và luôn sám hối ngay với quyết tâm không tái phạm nữa. Do sức mạnh của sự chứng ngộ, các vị Tu Đà Hoàn không thể nào phạm sáu tội trọng: năm ác (ngũ nghịch: giết mẹ, cha hay một vị A la hán, gây sự ly gián trong Tăng đoàn, cố tình làm tổn thương Đức Phật) và xem ai đó hơn Phật như là bậc thầy tối thượng thiêng liêng. Vì những lý do này, được đến giai đoạn của Tu Đà Hoàn được đánh giá cao.
Những vị Tu Đà Hoàn (Stream enterers) sẽ không tái sanh trong địa ngục ngạ quỷ, súc vật, hoặc a tu la và sẽ còn bảy lần tái sanh trong cõi luân hồi trước khi chứng quả A-lahán. Những vị thượng căn thì chỉ cần tái sanh một lần nữa; những bậc trung căn sẽ tái sanh từ hai đến sáu lần nữa; và bậc hạ căn sẽ tái sanh bảy lần.
Tuy những vị Tu Đà Hoàn có tuệ tri sâu sắc và vững trên con đường giải thoát, nhưng các ngài chỉ mới loại trừ ba trong mười kiết sử, nên tâm chưa thoát khỏi tám pháp trần: tài lợi, lời khen, danh tiếng, và thất vọng với mất mát, đổ lỗi, tai tiếng và không thỏa mãn.
Hành giả vẫn có thể tạo nghiệp xấu, mặc dù không mạnh lắm để đem lại tái sanh trong cõi bất hạnh. Trong một số trường hợp, hành giả có thể hành vi như người phàm, như luyến ái với gia đình, hưởng thụ, thích khen ngợi, hoặc cạnh tranh với những người khác. Tuy nhiên, nếu niềm tin vào Tam Bảo bất động vững chắc, hành giả chắc chắn sẽ tiến trên con đường đến A La hán quả.
Những vị Tư đà hàm (Nhất Lai, once returners) giảm nhiều tham ái và tâm ác so với những vị Tu Đà Hoàn, tuy rằng chưa hoàn toàn loại bỏ hết. Hành giả sẽ tái sanh trong cõi dục giới một lần nữa. Bậc A-na-hàm (Bất lai) đã loại bỏ những trói buộc ái nhiễm của cõi dục giới và tâm ác và sẽ không tái sanh trở lại trong dục giới. Nếu hành giả không đạt Niết Bàn trong kiếp đó, các ngài sẽ tái sanh trong cõi trời sắc giới, thường là cõi tịnh cư, một nơi đặc biệt, chỉ có những vị A-na-hàm (Bất lai) hoặc A-La-hán an trụ và sẽ đạt quả Niết Bàn ở đó.
Những ai trên giai đoạn hướng đến quả vị A La Hán, sẽ thực hành lời Phật dạy với sự nỗ lực tinh tấn. Trong giai đoạn thành quả A La Hán, hành giả hiện thực hóa lý tưởng giải thoát của mình, chứng đắc quả A-la-hán và không còn bị ràng buộc bởi tham ái. Tất cả những kiết sử trong cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới, tự cao tự đại, trạo cử, và vô minh, vv…đã được loại trừ và hành giả chứng đạt bất tử, một trạng thái thoát khỏi luân hồi tái sanh và an lạc giải thoát.
TAM BẢO TRONG TRUYỀN THỐNG PHẠN
Hầu hết những gì trình bày trong phần trên về truyền thống Pāli, cũng được trình bày trong truyền thống tiếng Phạn. Truyền thống tiếng Phạn cũng dựa vào những chú giải như tập Bảo tính luận (Ratnagotravibhāga, Uttaratantra Sastra) là những nguồn tài liệu để học hiểu về Tam bảo thường trụ thế gian hoặc xuất thế gian. Học hỏi và quán chiếu những phẩm hạnh nói trên sẽ cho ta thấy hướng tu tập tinh thần để chúng ta có thể trở thành Tam Bảo.
Mỗi Tam Bảo có thường trụ thế gian hoặc xuất thế gian bao gồm bốn thân (kāya) của một vị Phật. Tam Bảo thường trụ thế gian hoặc xuất thế gian.
Phật Bảo thường trụ xuất thế gian là pháp thân (dharmakāya). Có hai loại thân như sau:
Pháp thân trí tuệ (jñāna dharmakāya) có ba thực tánh: do có nhất thiết trí, nên chư Phật có thể nhậm vận thông đạt hoàn toàn các pháp bao gồm cả tánh khí và căn cơ của các chúng sanh. Với lòng từ bi và khả năng không ngần ngại, không nghi ngờ, chư Phật sẵn sàng dạy chúng sanh các pháp cao thấp theo nhu cầu căn cơ của họ.
Pháp thân tự tánh (svabhāvika dharmakāya) vô vi, không sanh, không diệt.
Có hai loại:
Bản chất thanh tịnh vô nhiễm là tánh không vốn hằng hữu trong tâm Phật.
Thanh tịnh hóa những phiền não là đề cập đến sự diệt tận của chư Phật thoát khỏi các phiền não chướng (kilesāvaraṇa, kleśāvaraṇa) trói buộc chúng ta trong luân hồi và những sở tri chướng (ñeyyāvaraṇa, jñeyāvaraṇa), những chướng này che đậy nhất thiết trí và diệu dụng vô tác lợi ích chúng sanh.
Phật Bảo thường trụ thế gian là sắc thân (rūpakāya) của một vị Phật.
Có hai loại:
Báo Thân (Enjoyment body- saṃbhogakāya) an trú trong tịnh độ đang giảng dạy cho các hiền thánh Bồ Tát.
Hóa Thân (Emanation body – nirmāṇakāya) là hiện thân của chư Phật trong một hình tướng để chúng sanh có thể nhận biết được. Quán chiếu bốn thân của chư Phật cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật xuất hiện như một con người chẳng hạn Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) là một hóa thân (emanation), phù hợp với tánh khí và cơ cơ, nhu cầu của chúng sanh. Hóa Thân xuất phát từ nhất thiết trí của Phật, tức là pháp thân trí tuệ (dharmakāya). Pháp thân trí tuệ phát sanh từ bản chất tiềm ẩn của thực tại, tức là pháp thân tự tánh của Phật.
Pháp Bảo thường trụ thế gian và xuất thế gian
Pháp Bảo thường trụ xuất thế gian là diệt đế và đạo đế trong dòng tâm thức của các bậc thánh của cả ba thừa: Thinh Văn (Śrāvaka), Duyên Giác (Pratyekabuddha) và Bồ Tát (Bodhisattva).
Đạo đế được nhận thức bằng trí tuệ trực tiếp và giác ngộ vô niệm về ngã không và pháp không. Trong số đó, đạo vô đoạn là trí tuệ trực tiếp giác ngộ tánh không, đó là tiến trình loại bỏ kiết sử. Khi những kiết sử ô nhiễm, đã hoàn toàn loại bỏ thì trí tuệ trở thành đạo giải thoát.
Diệt đế là lãnh vực thanh tịnh hóa của sự trống rỗng của tâm, tức đã từ bỏ một mức độ cụ thể của các lậu hoặc. Diệt đế có hai yếu tố: bản tánh thanh tịnh và thanh tịnh những uế trược phiền não như đã mô tả ở trên. Thiền quán về lý không đưa đến diệt đế, trong đó tất cả các nhị nguyên đối đãi đã biến mất.
Pháp Bảo thường trụ thế gian là đề cập đến Phật pháp đã truyền qua 84,000 pháp môn, mười hai bộ kinh Phật giáo – được truyền dạy từ chính kinh nghiệm của Đức Phật với lòng từ bi và trí tuệ.
III. Tăng Bảo thường trụ thế gian và xuất thế gian
Tăng Bảo thường trụ xuất thế gian là trí tuệ (đạo đế) và giải thoát (diệt đế) trong dòng tâm thức của bậc thánh. Diệt đế và đạo đế là Pháp Bảo thường trụ xuất thế gian và Tăng Bảo thường trụ xuất thế gian.
Tăng Bảo thường trụ thế gian là một bậc thánh hoặc các bậc hiền thánh trong bất cứ thừa nào trong ba thừa, cũng bao gồm tám bậc thánh Thanh Văn và các vị Bồ Tát. Tăng bảo có trí tuệ nội quán biết một cách chính xác về thực tại và biết một số phần sự đa dạng của các pháp. Thánh chúng đã thoát được một số phiền não chướng- vô minh, tham dục, những chủng tử và nghiệp ái nhiễm. Một số vị đã thoát khỏi ước muốn giải thoát cá nhân khiến ngăn chặn phát khởi Bồ Đề tâm. Một số bậc thánh cũng diệt được một phần của sở tri chướng- những vô minh và chấp ngã vi tế.
Một cộng đồng của hơn bốn vị tăng là đại diện của Tăng Bảo.
Phân tách chi tiết những phẩm chất của Tam Bảo như trên, giúp chúng ta nhận ra giá trị cao quý và hoàn hảo của quy y. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ tận lòng quy y từ tâm khảm của mình và có sự kết nối sâu sắc với Tam Bảo. Theo đó, chúng ta sẽ luôn có thể nương tựa vào Tam Bảo trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào gặp phải trong cuộc sống hoặc trong giờ lâm chung.
Tam Bảo nhấn mạnh đến khía cạnh kinh nghiệm nội tâm của tôn giáo và tâm linh. Chúng ta quy y Tam Bảo là tin tưởng hoàn toàn để dẫn chúng ta đến sự giải thoát, giác ngộ tối thượng, không phải quy y với những cơ sở tôn giáo. Tuy hiền thánh giác ngộ có thể ở trong tự viện chùa chiền, nhưng những cơ sở này lại thường do người phàm điều hành. Khi quy y, chúng ta cần nhận thức được sự khác biệt giữa các cơ sở tôn giáo và Tam Bảo là điều quan trọng.
GIÁC NGỘ, NIẾT BÀN và TOÀN TRI
Tam Bảo được gọi là “bảo châu” vì hiếm qúy. Như một viên bảo châu huyền thoại có thể ban cho tất cả những ước muốn và nhu cầu, cũng thế tam bảo liên tục sẵn sàng và có khả năng cung cấp cho chúng ta nơi trú ẩn, bảo vệ chúng ta khỏi khổ của luân hồi sinh tử, và cho chúng ta thấy con đường để đạt được sự an lạc thường trụ, thanh tịnh và viên mãn. Phật bảo là nguồn gốc những đức hạnh của chúng sinh, khuyến khích chúng ta tìm giải thoát, và giác ngộ viên mãn.
Phật tử của cả hai truyền thống tiếng Pāli và Phạn đều quy y Đức Phật, tuy có thể có những quan điểm khác nhau về sự giác ngộ, Niết bàn, và toàn tri của Phật. Các truyền thống Pāli nói rằng Đức Phật tu hành như là một Bồ tát trong nhiều đời trước đó và đã đạt được toàn giác dưới cây Bồ đề trong cuộc đời của Ngài như là thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhattha Gotama). Là một vị Phật, ngài không còn khổ về tinh thần nhưng còn nỗi đau thể xác do sự chi phối của ái dục và nghiệp lực. Một số khác nói rằng khi Đức Phật nhập tịch vào Đại Niết Bàn (mahāparinibbāna), tất cả sự tái sinh luân hồi chấm dứt, và tâm thức của Ngài vào Niết-bàn, một trạng thái an lạc thường trụ, bền vững, vô vi mà không thể quan niệm được theo quan điểm thời gian và không gian. Ở đây, Niết Bàn (parinibbāna) là một thực tại, ngược lại với các uẩn bất tịnh và vô thường. Một số khác nói Niết Bàn là sự chấm dứt của những ái nhiễm và sự tiếp nối của các uẩn. Ở đây, sự diệt tận hoàn toàn các uẩn là an lạc.
Nói chung, truyền thống tiếng Phạn tin rằng Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) đã tu tập như một vị Bồ Tát trong nhiều kiếp trước đó và đã đạt được giác ngộ viên mãn trước cuộc đời của ngài như là thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhattha Gotama). Tuy nhiên, bằng cách thị hiện như một người chưa giác ngộ, đi tìm chân lý và đắc đạo được trong đời, ngài đã làm gương chỉ rõ sự quan trọng của nỗ lực và tinh tấn để đắc đạo. Qua gương sáng của ngài, ngài đã cho ta niềm tự tin rằng tu tinh tấn có thể đạt được sự giác ngộ như ngài đã từng trải nghiệm.
Truyền thống tiếng Phạn đồng ý rằng khi nguyên nhân của luân hồi được dập tắt thì ngũ uẩn bất tịnh không còn tiếp tục được, nhưng không có một tác nhân hay thuốc giải nào có thể đoạn dứt hoàn toàn bản tâm quang minh liên tục và bất tận. Một số chú giải nói rằng các uẩn tâm lý bị diệt lúc nhập Niết Bàn, đại sư Long Thọ giải thích rằng các uẩn không xuất hiện trong thiền quán về tánh không của vị A La Hán. Khi nhập Niết Bàn, các uẩn vẫn tiếp tục nhưng bây giờ thì đã được thanh tịnh hóa. Đức Phật xuất hiện từ báo thân (enjoyment body), và rốt ráo là từ Pháp thân (dharmakāya), cả hai thân này đều vô tận. Khi Ngài nhập tịch, tâm giác ngộ vẫn còn. Tuy Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) không còn tồn tại, sự tương tục của nhất thiết trí vẫn tiếp tục để ngài hoàn thành mục đích tu tập tinh tấn trong nhiều đời, để đưa tất cả chúng sanh đến giác ngộ viên mãn. Để hiện thực hóa điều này, ngài thị hiện nhiều hóa thân để làm lợi cho chúng sinh trong khắp vũ trụ.
Đức Phật luôn sẵn sàng với khả năng làm lợi cho chúng sinh, nhưng vì chúng ta thiếu công đức và kinh nghiệm tâm linh, chúng ta không thể thấy Phật. Hóa thân của chư Phật như ánh sáng mặt trời tỏa khắp mọi nơi. Tuy nhiên, nếu như chiếc thuyền bị lật ngược thì không thể nhận được ánh sáng mặt trời, cũng thế nghiệp chướng và thiếu phước của chúng ta che khuất Phật tánh. Khi chiếc thuyền được chuyển lật lên, ánh sáng mặt trời sẽ hiển lộ; khi chúng ta thanh tịnh hóa tâm và tích lũy công đức, các công hạnh giác tỉnh sẽ tăng trưởng, và chúng ta sẽ cảm nhận các pháp như là bốn thân Phật.
Tôi nghe nói có một số vị sư Nguyên Thủy là thiền sư chứng đạo, nên nói tâm [citta] là tỉnh thức, thanh tịnh và sáng suốt, nhưng khi bị phiền não che mờ, thì không bị chi phối đến hủy diệt hoàn toàn như những hiện tượng trong cõi ta bà. Phiền não vốn không cố hữu trong tâm [citta], mặc dù nó cần được tẩy sạch những phiền não ô nhiễm đã che mờ tâm. Tâm bất tử và độc lập giữa không gian và thời gian và tiếp tục tồn tại sau khi diệt hết phiền não và tuệ hiển lộ. Trong thiền quán, thiền sư Ajahn Mun, người Thái, sống cuối thế kỷ XIX và XX, đã thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị A La Hán. Điều này khiến ngài tin rằng tuệ giác của các vị giác ngộ hoàn toàn bất diệt, không chết. Khi phiền não của chúng ta đã được thanh tịnh hóa, chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm như vậy.
Bàn về trí toàn tri hay nhứt thiết trí (sabbaññutañāṇa, sarvākārajñāna) của một vị Phật, truyền thống tiếng Phạn nói rằng tất cả hiện hữu: quá khứ, hiện tại, và tương lai – xuất hiện nơi tâm Phật trong từng sát na bởi lẽ Phật tánh là rõ ràng, trong sáng, khi tất cả các lậu hoặc diệt tận, tri kiến hiện ra rõ ràng. Kinh điển Pāli ghi rằng tuy Đức Phật có nhất thiết trí, nhưng ngài không nhận mình cùng lúc biết tất cả. Khi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hỏi Phật rằng có phải bất cứ lúc nào trong ba thời, tri kiến của Phật cũng hiện ra cùng lúc? Đức Phật trả lời rằng không phải là như vậy. Các nhà bình luận Pāli giải thích nghĩa rằng như vậy Đức Phật có nhất thiết trí, nhưng không phải tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục. Đúng hơn, tuy tất cả tri kiến ba thời của Phật có sẵn với Phật, nhưng ngài phải tác ý hướng đến từng chủ đề riêng khi cần biết. Những học giả trong truyền thống Pāli ngày nay cũng có nhiều tư tưởng khác nhau về tri kiến toàn tri này.
Một số người nghi ngờ rằng Đức Phật có thể nhìn thấy tương lai, tuyên bố tương lai đã được định trước. Bất kỳ thời điểm nào, Đức Phật có thể thấy sự hợp thành của những nguyên nhân và điều kiện mà có thể mang đến một quả nào đó trong tương lai, đồng thời biết rằng những nguyên nhân và điều kiện có thể thay đổi trong từng sát na. Chú giải trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) nói rằng Đức Phật biết các sự kiện trong quá khứ và tương lai qua trực giác, và bộ Phân Tích Đạo (Patisambhidāmagga) xác nhận rằng tất cả hiện tượng quá khứ, hiện tại và tương lai đều ở trong nhứt thiết trí của Phật.
Chúng ta cũng nên phân định rõ sự mô tả về Đức Phật giữa hai quan điểm của hai truyền thống tiếng Pāli và Phạn (Sanskrit). Chúng ta không cần phải chọn một quan điểm. Chúng ta có thể nhìn xem quan điểm nào thích hợp cho chúng ta ý tưởng tốt lúc đó. Khi chúng ta nản chí thì hãy quán niệm về Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhartha Gautama) là một con người bình thường như chúng ta đã phải qua nhiều thử thách, khó khăn trên con đường tu tập để thành công; quán như thế sẽ khuyến khích ý chí dũng mãnh của chúng ta. Vì chính ngài đã nỗ lực tinh tấn tu tập để đạt giác ngộ, thì chúng ta cũng có thể làm được.
Lúc khác, sẽ hữu ích hơn nếu quán niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đã giác ngộ trong nhiều kiếp trước, xuất hiện trong thế giới của chúng ta qua một hóa thân để lợi ích chúng sanh. Quan điểm này sẽ giúp chúng ta cảm được tình yêu thương che chở của chư Phật đôi với chúng ta; các ngài đã hiện diện vì chúng ta.
Khi quán tưởng những công hạnh của Đức Phật được mô tả trong những bài kinh Pāli giai đoạn đầu, tôi cảm thấy kinh điển tiếng Phạn cũng minh họa ngài giống như vậy. Ví dụ, Đức Phật nói với A-nan (DN 16: 3.22) rằng lúc tham dự hàng trăm cuộc hội nghị với giai cấp quý tộc Sát đế lợi (Khattiyas), Như Lai nhớ rõ nơi ngài an tọa và thảo luận với họ. Để hội nhập, Như Lai phải thay đổi bề ngoài cho thích hợp, dùng lời nói hợp căn cơ hướng dẫn Phật pháp và làm vừa lòng họ. Những vị tướng lãnh Sát đế lợi này không biết ngài là ai và tự hỏi ngài là một chư thiên hay là người phàm. Sau khi thuyết pháp hướng dẫn xong, ngài đã biến mất. Đức Phật cũng truyền pháp như thế trong cộng đồng Bà La Môn, cư sĩ, ẩn sĩ và chư thiên. Đoạn này nhắc nhở tôi về các hạnh nghiệp của một vị Phật hóa thân.
Không có nơi nào trong kinh Pāli hay Phạn ngữ xem Đức Phật là đấng toàn năng hay đấng sáng tạo. Ngài không muốn chúng ta thờ phượng ngài, và chúng ta cũng không phải cầu thỉnh Ngài ban cho ân huệ. Ngài không thưởng cho người theo lời dạy của ngài và phạt người không theo Ngài. Đức Phật chỉ hướng dẫn con đường giác ngộ từ chính kinh nghiệm giác ngộ của mình. Ngài mang lợi ích cho chúng sinh theo căn cơ và tánh cách của từng cá nhân.
Dù chúng ta xem Đức Phật là bậc toàn giác, hay đắc đạo trong đời này, ngài vẫn là một nguồn cảm hứng, một tấm gương sáng về thành tựu tâm linh cho chúng ta noi theo.
Ngài có sức mạnh nội tâm và sự tự tin của ngài trong tiềm năng con người là chắc chắn. Với sự kiên trì dõng mãnh, ngài đã dày công phu trong tu tập thiền chỉ và thiền quán.
Khi tôi quán về ba minh như được đề cập trong kinh điển Pāli, tôi nhận ra một tương xứng với Phật giáo Tây Tạng Tsongkhapa gọi là ba pháp chính yếu để tu tập: buông xả, bồ đề tâm, và chánh kiến. Những yếu pháp này phát huy trước khi thành Phật, và sẽ viên mãn khi thành Phật. Với hạnh buông xả, đức Phật đã tuệ tri thấy những kiếp trước của mình với những khổ đau (duḥkha) và vô thường (transience). Ngài thấy biết do phiền não và nghiệp chướng tạo ra tất cả những đau khổ. Để đi ngược lại điều này, ngài từ bỏ hoàn toàn cuộc đời luân hồi, quyết định tìm đường giải thoát.
Với bồ đề tâm, Đức Phật nhìn thấy sự sanh đây chết kia của chúng sinh dưới sự chi phối của phiền não và nghiệp. Để đi ngược lại điều này, ngài phát sanh lòng từ bi, bình đẳng và bồ đề tâm. Để thực hiện lòng vị tha này, ngài thanh tịnh hóa tâm ô nhiễm và kiết sử bằng cách chánh kiến thấy rõ về vô ngã (no self) và vô pháp ( non phenomena). Do dùng gươm tuệ để thanh tịnh hóa tâm, ngài đạt được chánh kiến biết được tâm mình đã hoàn toàn thanh tịnh và từ đó ngài đạt chứng Niết bàn.
Hai truyền thống Pāli và Phạn ngữ nói chúng ta đang ở trong thời chánh pháp, may mắn được Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) chuyển pháp luân lần thứ tư và Phật Di Lặc sẽ là người chuyển pháp luân lần thứ năm. Chư Phật chuyển pháp luân là những vị ban giáo pháp đến nơi nào mà Phật pháp chưa được biết. Theo truyền thống tiếng Pāli, năm ngài này là chư Phật duy nhất trong thế giới của chúng ta ở hiện kiếp (eon) này; các hành giả khác sẽ đắc A La Hán. Theo truyền thống tiếng Phạn, mỗi chúng sinh đều có khả năng thành Phật, và có rất nhiều chư Phật trong hiện kiếp của chúng ta.
QUY Y VÀ TRÌ GIỮ PHÁP QUY Y ĐÚNG CÁCH
Tôi tin rằng có thể có những mức độ khác nhau khi quy y Tam Bảo, và có người có thể quy y ở mức độ dễ dàng và thích hợp cho họ. Điều này giúp họ trên con đường tâm linh và khuyến khích họ tiếp tục tu tập và thực hành giáo lý của Đức Phật. Với một số người, mức độ dễ dàng của sự quy y liên quan đến việc hiểu rõ những lời dạy về lòng từ bi. Với người khác, quy y phải bao gồm niềm tin vào tái sanh luân hồi. Điều quan trọng ở đây là họ phải tin tưởng và tôn trọng Tam Bảo.
Trong bối cảnh, giới Phật tử chấp nhận thuyết tái sanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến quy y như sau:
(1) Nhận thức sự tái sanh ở các cảnh giới bất hạnh là một nguyên nhân trực tiếp dẫn chúng ta lập tức tìm nơi nương tựa trong Tam Bảo. Nhận thức về khổ đau đã thúc đẩy chúng ta quy y Tam Bảo để hướng dẫn chúng ta thoát khổ.
(2) Hiểu diệu dụng và khả năng của Tam Bảo hướng dẫn chúng ta, chúng ta phát khởi niềm tin bất động nơi tam bảo và lấy đó làm nền tảng để trí tuệ hiển bày.
(3) Với lòng từ bi, những ai theo Bồ tát thừa (Bodhisattvayāna) quy y Tam Bảo để đạt được toàn giác, để giúp giảm bớt những khổ đau của chúng sinh.
Điều quan trọng để quán tưởng về diệu dụng của Tam Bảo là lý do và ý nghĩa nương tựa vào Tam Bảo. Khi tâm chúng ta tin tưởng vào sự hướng dẫn tinh thần của Tam Bảo vì chúng ta nhận ra đây là nơi đáng tin cậy, chúng ta đã tìm thấy ý nghĩa thực sự của việc quy y và đã trở thành Phật tử. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa trở thành Phật tử, mọi người cũng có thể thực hành giáo lý nhà Phật để giúp đỡ họ trong cuộc sống và để qua một bên những phần khác còn lại trong lúc này.
Một số người muốn khẳng định quy y trong Tam Bảo bằng cách tham gia buổi lễ, trong đó họ đọc lại qui tắc quy y theo thầy truyền giới và nhận một số hoặc tất cả năm giới cư sĩ (pañcasīla, pañcaśīla). Năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, và không dùng các chất say.
Sau khi quy y, Phật tử giữ giới luật để giúp họ duy trì việc quy y của họ. Giới luật là hướng dẫn chúng ta tránh làm tổn hại đến chúng sinh, tránh chỉ trích điều gì chúng ta không thích, tránh thô tháo và kiêu ngạo, tránh các đối tượng khả ái, tránh tham gia vào mười ác nghiệp, tránh nương tựa ở những thần linh ma quỷ, và tránh nuôi dưỡng tình bạn với những người hủy báng Tam Bảo hay hành động theo những ác nghiệp.
Chúng ta cố gắng theo một bậc thầy đức hạnh, tu học và đưa giáo lý vào thực tế trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, kính trọng chư tôn đức tăng ni và theo gương tốt của chúng xuất gia, từ bi thương chúng sinh, thọ Bát Quan trai giới hai lần một tháng, cúng dường Tam Bảo, khuyến khích người khác quy y Tam Bảo, quy y ba lần vào mỗi buổi sáng và buổi tối, cúng dường thực phẩm của chúng ta trước khi ăn, và tôn trọng các tượng Phật và kinh sách.
Một nguyên tắc hướng dẫn cho việc duy trì quy y thanh tịnh là chúng ta không quy y những ai thiếu khả năng hướng dẫn ta đến giác ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy tổ của chúng ta, và một hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phải được thờ ở chính giữa trung tâm bàn thờ của chúng ta.
Chúng ta tin tưởng vào Đức Phật – bậc toàn giác. Nếu chúng ta cảm thấy hối hận vì hành động xấu, trước sự hiện diện của Đức Phật, chúng ta phải sám hối cho thanh tịnh và phát nguyện sẽ trở nên đức hạnh giống như Đức Phật và thánh chúng của ngài.
truyền thống Phật giáo nói về những vị hộ pháp – những vị bồ tát giúp hành giả trên con đường tu tập. có những hộ pháp siêu xuất thế gian hay thế gian. Các vị hộ pháp siêu xuất thế gian đã giác ngộ tánh không và có thể đang trú trong tăng đoàn. Trong kinh sách Tây Tạng, hộ pháp như Tứ thiên vương và vị tiên tri Nechung là những vị hộ pháp thế gian, đã nguyện bảo vệ Phật pháp và các người tu hành. Họ không có trong danh sách Tam Bảo, nhưng chúng ta có thể cầu các vị này giúp đỡ tạm thời cho các thiện hạnh của mình, giống như chúng ta dựa vào một người mạnh để giúp chúng ta trong lúc cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không quy y với những vị hộ pháp thế gian này.
chúng sanh trong cõi luân hồi. Giống như loài người, một số thần linh rất hữu ích và một số khác thì lại có hại. Một số có nhãn thông, một số thì không có. Một số có phẩm chất đạo đức, một số khác thì đầy sân si và thù hận. Do vô minh, một số người quay sang nguyện cầu và quy y những thần địa phương như Tinh Linh Phẫn Nộ Dorje Shugden. Bởi vì các thần linh này giúp ban phước giả tạm trong đời này, thúc đẩy các hành giả lạc đường tu, chỉ lo có nhiều tiền bạc, địa vị danh tiếng bằng cách làm vừa lòng các thần linh, thay vì đi tìm kiếm sự tu tập tỉnh giác. Điều này làm bại hoại sự tu tập và đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, trong đó Đức Phật dạy rõ ràng là chúng ta đang chịu trách nhiệm cho nhân quả an lạc bằng cách từ bỏ ác hạnh và gieo trồng thiện hạnh. Quy y Tam Bảo và đi theo luật nhân quả là một sự bảo vệ chân thật để tránh đau khổ.
Người phàm hay tìm kiếm những thứ bên ngoài như bùa hộ mệnh, nước thánh, và những sợi dây bảo hộ để bảo vệ họ khỏi nguy hiểm. Nếu những điều này giúp họ nhớ những lời dạy của Đức Phật và thực hành, đó là điều tốt. Nhưng nếu họ nghĩ rằng các đối tượng này sở hữu có một sức mạnh cố hữu bên trong, họ đang nhầm lẫn. Trong thực tế, con người cần phải bảo vệ bùa hộ mệnh, những sợi dây vì chúng dễ bị hư!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).PHAT GIAO CHUYEN PHAP LUAN KIM LIEN.TINH THAT .THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.20/7/2021.
Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng thực hành Pháp xảy ra trong tâm trí của chúng ta. Thực hành đúng đòi hỏi chúng ta phải nhận diện phiền não và áp dụng đúng thuốc để giải độc phiền não.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment