Wednesday, June 16, 2021
Bài 1
GIÁO NGHĨA ẤN ĐỘ TRƯỚC THỜI PHẬT XUẤT THẾ.
Đạo Phật rất tôn trọng lý duyên khởi, đối với vạn hữu vũ trụ để quán sát nó không thể không dùng đến lý nhân duyên sanh; vì thế, với chính tự thân đạo Phật chúng ta không thể cho rằng, chúng hình thành không có nguyên do, đột duyên mà phát khởi.
Nay muốn thuật lại điểm khởi nguyên của đạo Phật, chúng ta nên đối với các nền triết học cổ xưa Ấn độ mà thuật lại mối quan hệ về sự noi theo và cải cách của chúng.
Dân tộc Ấn độ cách đây khoảng 4000 năm vốn do giống dân Alyda từ vùng trung Á tế á di cư xuống. Tổ tiên của giống dân này vốn từng sùng bái mặt trời, mặt trăng, gió mây, nước lửa, núi sông… cùng các vật tự nhiên khác. Họ tin tưởng rằng các vật tự nhiên ấy đều do các đấng thần linh cai quản. Nương theo đó để cầu phước họ lập riêng một nhóm người chuyên lo việc cúng tế gọi là Bà la môn. Nhóm Bà là môn đối các vật tự nhiên trong trời đất sáng tác ra các bài ca vịnh tán tụng, lời ca vịnh vô cùng hoàn bị trong đó hàm chứa rất nhiều tư tưởng triết học. Ban đầu những lời ca vịnh này chỉ được truyền miệng, đến sau khi có văn tự mới được sao chép tập hợp lại thành bốn bộ sau.
1. Lê câu phệ đà (Tán tụng minh luận).
2. Bà ma phệ đà (Ca vịnh minh luận).
3. Dạ du phệ đà (Tế tự minh luận).
4. A thát bà phệ đà (Nhưỡng tai minh luận).
Bốn bộ Phệ đà văn chương tác tuyệt nghĩa lý sâu mầu, tín đồ Bà la môn lại chọn những áo nghĩa trong bốn bộ Phệ đà soạn ra một bộ gọi là Bà la ma nỗ nghĩa là sách thần học. Bộ này lấy tư liệu từ Phệ đà để nhằm phát minh những điểm bí yếu khẩu truyền của Phạm thiên.
Kế đó họ lại soạn ra một bộ tên là A lan nhã ca, nghĩa là nghiên cứu những triết lý sâu sa khi ẩn cư trong rừng. Và từ nơi bộ A lan nhã ca lại tuyển chọn những phần tinh yếu tập hợp thành bộ Ưu ba ni sa đàm, nghĩa là những tư tưởng triết học trong triết học.
Tóm lại trong khoảng 1000 năm đầu Phệ đà rất được tôn sùng, 500 năm sau Bà la ma nỗ lần hồi thạnh hành. Cả hai đều lấy Phạm thiên làm đấng chủ tể vạn hữu vũ trụ, và cho rằng người nào thường cúng tế Phạm thiên sẽ thu hoạch được rất nhiều phước đức.
Càng về sau văn chương và tư duy con người ngày một tiến bộ, một số học giả mỗi khi giải thích Phạm thiên, họ cho rằng thế giới tuy là khổ nhưng bản thể chỉ là một và gọi bản thể đó là Ngã. Nghĩa là Ngã và Phạm vốn thuần nhiên một vật riêng tên gọi thì có hai, chẳng qua Ngã là linh hồn Phạm là linh tánh mà thôi.
Nhưng Phạm và Ngã đã là một vậy tại sao lại có các hiện tượng giới sai biệt? Đáp : Hết thảy đều là Ma gia Ma gia dịch là huyễn.
Nếu có thể đạt đến minh trí giác ngộ được thật tại của Ngã, thì sanh tử mê vọng chỉ là giấc mộng gọi đó là Niết bàn.
Tuy nhiên minh trí há dễ đạt được hay sao ? Tất phải xa lìa hết thảy phiền não dứt sạch vọng tình mới thành tựu được.
Do phương pháp xả bỏ vọng cảnh dứt trừ vọng tình và cứu cánh của đạo có sự sai khác, vì vậy phân chia nhiều giáo phái khác nhau đại để như sau.
1. Phái Số luận: lấy Ngã thật có trong Ưu ba ni sa đàm cùng Huyễn không thật có lập ra thuyết Thần ngã tự tánh nhị nguyên.
2. Khổ hạnh giáo (còn gọi Thiền na giáo) chủ trương Ngã là sinh mạng Ngã này khác với Huyễn. Tư tưởng của phái này cùng với tư tưởng Số luận phần lớn giống nhau. Sau này khi đức Phật xuất thế Ngài không kế thừa tất cả các học thuyết này, mà chỉ lấy một bộ phận của Huyễn để làm tư liệu lập ra lý Nhân duyên sanh. Đối với thuyết Hữu ngã đạo Phật hoàn toàn không chấp nhận như vậy đạo Phật là đạo xuất thế.
3. Kế đến cũng có phái thuộc Khổ hạnh giáo, vị giáo chủ là Ni kiền tử còn gọi là Ni càn đà phất thư la Trung hoa dịch là Ly hệ tử. Vị này sanh vùng phụ cận kinh thành Phệ xá ly. Phái này chủ trương có bốn giai cấp riêng biệt dùng 12 tịnh pháp đồng như Bà la môn. Chỉ khác là bài xích Phệ đa,ø răn cấm sát sanh cúng tế đây là những điểm tương đồng với Phật giáo.
Ngoài ra phái này cùng với Phật giáo có rất nhiều mối quan hệ thạnh suy, họ khuyến khích tín đồ thực hành pháp tu khổ hạnh vì thế đối với xã hội Ấn độ có một thế lực rất lớn. Vị giáo chủ sanh trước Phật và mất trong khi đức Phật còn tại thế. Đến sau này khi Phật giáo bị suy tàn tại Ấn độ phái này vẫn còn rất nhiều người tín ngưỡng.
Thời bấy giờ tại Ấn độ đầy dẫy các tín đồ khổ hạnh cùng với một số người theo thuyết nguỵ biện, một số học giả tiến bộ lần hồi thấy được những điểm sai trái của hạng khổ hạnh, nguỵ biện này.
Lại do sự bất công tột cùng của bốn giai cấp lợi ích của việc giải thoát chưa được phổ cập rộng, nhân đó mọi người trong xã hội ai cũng mong muốn có được một cuộc cảm hoá vĩ đại.
Trải qua thời gian lâu xa rộng khắp tất cả mọi nơi nhưng vẫn chưa có một đấng Thánh nhân nào nổi bật xuất thế.
Ứng theo tâm nguyện mong cầu của thời đại xuất hiện người đó chính là đức đại thánh Thích ca mâu ni vậy.
Bài 2
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT TRƯỚC KHI XUẤT GIA
Việc ghi chép lịch sử của đức Phật từ trước đến nay vốn không có sự đồng nhất. Hoặc có nơi tô thêm sự thật, hoặc lạm dụng văn chương hoa mỹ, hoặc sử dụng thí dụ và nhân duyên có phần quá đáng. Vì vậy đối với vấn đề chân tướng của Ngài ngày nay chúng ta cũng rất khó để xác định rõ hình trạng. Nay nhằm thời Mạt pháp, chúng tôi chỉ lấy phần tương đối thuật lại một vài nét cơ bản cuộc đời của đức Phật đại để như sau.
Truy nguyên vị tỵ tổ của đức Phật vốn xuất thân từ chủng tộc Mông cổ (có thuyết cho rằng Ngài xuất thân từ chủng tộc Alyda, điều này hoàn toàn trái với lịch sử).
Họ của dòng tộc Ngài là Thích ca còn gọi là Cù đàm ngụ ở thành Kiếp tỷ la phạt tốt đỗ la phía bắc sông La bạt đề.
Thân phụ là đức vua Tịnh Phạn thân mẫu là hoàng hậu Ma Gia. Hoàng hậu năm 45 tuổi đản sanh Ngài dưới cội cây Sa la trong vườn Lâm tỳ ni đặt tên là Tất đạt đa. Lúc ấy nhằm ngày mồng 8 tháng 4 (Al) trước Dân quốc 2476 năm (có thuyết cho là trước Dân quốc 2938 năm). Sau khi hạ sanh được bảy ngày hoàng hậu băng hà, di mẫu Bát la xà đề thay hoàng hậu săn sóc nuôi dưỡng Ngài.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng trí tuệ của Ngài đã vượt người tầm thường, tất cả các học thuyết thế gian như: kỷ nghệ, điển tích, văn chương, thiên văn, lịch số… không có bất kỳ môn nào mà Ngài không suốt.
Ngài lại tinh thông về các môn võ nghệ như bắn cung, đua ngựa… sức khoẻ hơn người, mọi người đều kính nể không ai là không hàng phục. Trên từ đức vua Tịnh phạn dưới đến dân thường, tất cả mọi người đều yêu mến và cho rằng sau này Ngài sẽ là người chinh phục bốn phương, thống nhất bờ cõi không khó lắm vậy.
Năm 16 tuổi Thái tử cưới vợ. Vợ Ngài tên là Da thâu đà la và sanh hạ được một người con đặt tên là La hầu la.
Tuy thân ở tại trần lao nhưng tâm Ngài không nhiễm dục lạc, mọi quan niệm và cảm tính của Ngài đều hoàn toàn khác với thế tục.
Ngày nọ ra khỏi cửa thành dạo chơi, Ngài thấy một người nông phu quần áo rách rưới làm việc hết sức nhọc nhằn dưới sức nắng mặt trời, bụi bặm dính đầy mình hơi thở dồn dập mồ hôi chảy ròng. Con trâu bị đeo cày làm nghẽn cổ với dây ràng buộc chặt, thỉnh thoảng bị người nông phu đánh đập máu chảy tuôn trào. Ở mỗi lát cày các loài sâu bọ bị dẫm nát, sau khi người và trâu nghỉ mệt các loài chim muông theo các luống cày mổ tìm sâu bọ… Thấy cảnh trạng đau lòng như vậy, Ngài phát lòng ưu tư và thương sót sâu nặng, nghĩ đến cảnh khổ đau giết chóc của các loài chúng sanh.
Lần thứ hai Ngài dạo chơi ở một nơi khác trên đường đi thấy một người già tóc bạc răng long, dung mạo đen khô da thịt nhăn nhúm, tấm lưng còng xuống tay chân run rẫy, hơi thở nặng nhọc kéo lên cả đàm. Mỗi khi người đó thở thì cổ họng phát ra tiếng tợ hồ như tiếng kéo cây lấy lửa.
Lần thứ ba Ngài lại đi đến một nơi khác, trên đường đi thấy một người bịnh thân thể gầy còm, da thịt bủng vàng nhan sắc nhợt nhạt, hơi thở hổn hển bụng sình trướng lên các đốt xương rời rạc, mỗi khi người đó di chuyển thì rên rỉ đi lại thật vô cùng khó khăn.
Sau cùng Ngài lại dạo chơi một nơi khác, trên đường đi thấy một đoàn người đưa đám ma, có rất nhiều người thân vây quanh than khóc; hoặc có kẻ bứt tóc hoặc có kẻ lấy tay đấm vào ngực, nỗi đau đớn cùng tột tiếng kêu réo thảm sầu, tiếng khóc vô cùng bi ai làm cho người nghe không ai có thể cầm lòng đặng. Nhìn thấy cảnh tượng tang tóc như thế, Ngài buồn bả bảo phu xe đánh ngựa trở về hoàng cung.
Đêm hôm đó Ngài ngồi tư duy suốt đêm không ngủ, lòng thương chúng sanh phát khởi mạnh mẽ, luôn nghĩ đến nỗi khổ đau của chúng sanh nơi mình đã đi qua. (Đây là động lực chính phát sanh Phật pháp, nếu xét về viễn nhân là do thời quá khứ… còn xét về cận nhân thì như đoạn trên đã trình bày.)
Như vậy sau khi quan sát và cảm thông về nỗi khổ đau cùng cực của chúng sanh, vào nửa đêm mồng 7 tháng 2 lúc mọi người đã an giấc nồng bốn bề yên tĩnh, Ngài bèn sai người đánh ngựa tên Xa nặc đánh ngựa Kiền trắc vượt khỏi cung thành.
Đến phía đông nước Lam ma, Ngài dừng lại bảo Xa nặc đánh ngựa trở về. Tại đây Ngài cởi bỏ mũ báu cùng áo cẩm bào cạo bỏ râu tóc trở thành vị Sa môn. Năm đó Ngài mới 19 tuổi.
Sau khi Xa nặc trở về hoàng cung báo tin, vua Tịnh phạn vô cùng kinh ngạc sai quần thần đuổi theo khuyên Ngài trở về nhưng không có kết quả. Nhà vua bèn sai năm anh em Kiều trần như theo hầu hạ Ngài.
Bài 3
BỒ TÁT TU HÀNH THÀNH PHẬT
Sau khi từ bỏ thế tục Ngài đến rừng khổ hạnh tham học với tiên nhân Bạt già bà. Mục đích của vị này là tu pháp khổ hạnh để cầu sanh về cõi trời. Trải qua một thời gian tu tập Ngài không bằng lòng với pháp tu đó, bèn từ giả tiên nhân đi đến vùng phụ cận kinh thành Tỳ xá ly, nương tiên nhân A la lã ca lam học đạo giải thoát.
Vị tiên nhân này lấy cảnh giới Vô sở hữu xứ làm Niết bàn tối thượng. Ban sơ do Ngài chưa nắm rõ được nội dung tu tập của vị tiên nhân này, là tạm thời đình chỉ mọi hoạt động của ý thức, cứ tu tập như thế đời sau sẽ đạt được quả báo Vô sở hữu xứ thiên nên ở lại tu tập 3 năm. Khi thấu rõ được vị cứu cánh đó vẫn do ngã bốn uẩn làm chủ, đến khi định lực hết rồi phải tuỳ theo nghiệp mà đoạ lạc sanh tử, không bằng lòng với pháp tu đó Ngài từ giã ra đi.
Ngài lại đến học đạo với vị tiên nhân khác tên là Uất đầu ca la ma tử trong thành Vương xá. Lúc đầu nhận thấy pháp tu của vị này so với pháp Vô sở hữu xứ thiên của tiên nhân A la lã ca lam có phần vượt trội hơn, Ngài bèn nương theo tu tập. Trải qua thời gian hai năm, Ngài rõ biết được pháp tu của vị này vẫn tạm thời nương vào sức định để đạt được quả báo cực tịnh mà thôi. Đến khi sức định hết rồi hành giả vẫn không thoát ra ngoài vòng lưu chuyển sanh tử, như thế quả vị đó không phải là cứu cánh tối thượng.
Như thế Ngài đã nhận biết được toàn bộ tư tưởng triết học thế gian không phải là pháp chân chánh để đạt đến sự giải thoát, bèn từ giã tất cả đến bờ sông Ni liên thiền nơi rừng khổ hạnh cùng năm anh em Kiều trần như đồng tu khổ hạnh nếm đủ mọi sự khổ nhọc đắng cay.
Trải qua thời gian sáu năm, ngày đêm siêng năng chiến đấu ma quân nhưng chỉ nhọc nhằn không thâu đạt được kết quả. Ngài nhận thấy pháp tu khổ hạnh chỉ là nhọc công vô ích, bèn xuống sông Ni liên thiền tắm gội thọ bát sữa của nàng Tu xà đề cúng dường sức khoẻ lần hồi phục, năm anh em Kiều trần như thấy vậy sanh tâm thối chuyển bỏ Ngài ra đi.
Đến lúc này Thích tôn đã thấu suốt các pháp thế gian và đã dứt trừ các pháp đó, Ngài một mình thẳng tiến đến cây Tất bát la kết toà ngồi kiết già và phát nguyện lớn : “Tôi nếu không chứng quả vị Vô thượng bồ đề thì dù có tan thân nát mạng quyết không rời khỏi chỗ này…” (đoạn văn trên thấy ở kinh Phương quảng đại trang nghiêm). Phát nguyện rồi Ngài nhập vào Kim cang định, dùng lực kim cang tam muội chặt đứt vô minh chi đầu tiên quan trọng trong 12 nhân duyên, nghĩa là phần căn bản đã giải quyết xong vô minh đoạn trừ, thì sanh tử ưu bi khổ não cũng không còn nữa.
Trạng thái lúc bấy giờ dường như dao bén chặt đứt tất cả dây tạp loạn, chẳng khác nào như ánh mặt trời rọi chiếu vào đêm dài tăm tối, vào lúc sao mai ló dạng Ngài đã dứt sạch sanh tư,û nhập vào trạng thái an tĩnh chứng đắc quả vị A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, thành Phật hiệu là Thích ca mâu ni, năm đó Ngài đã 30 tuổi.
Trong kinh Hoa nghiêm có đoạn viết: “Sau khi thành đạo Ngài cảm thán nói rằng: Lạ thay! lạ thay! Nào hay tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tánh trí tuệ Như lai, bởi do ngu si mê hoặc mà không thấy không biết… Ta nay sẽ đem thánh đạo giáo hoá khiến cho chúng sanh dứt hẳn vọng tưởng, một khi vọng tưởng dứt trừ tất sẽ chứng được vô lượng trí tuệ của Như lai”.
Câu nói trên tuy thuộc phạm vi Đại thừa, nhưng chúng ta dù là phàm phu vẫn có thể đoán biết được, trạng thái hoan hỷ và kinh ngạc của đức Phật trong ngày thành đạo như thế nào.
Đương nhiên hư không bao la có thể tan ra thành từng mảnh nhỏ, cả đại địa mênh mông và biển cả có thể gom vào trong một lỗ chân lông, cuốn cả pháp giới vào trong một mảy trần, do vì đức Phật đã thân chứng những pháp này nhưng Ngài không chấp trước vào một pháp nào cả. Ngài vẫn rạng rỡ bất động nhập vào Hải ấn tam muội trong 21 ngày, vì các hàng Bồ tát trong mười phương thế giới mà tuyên thuyết Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh.
Bài 4
CHUYỂN PHÁP LUÂN
Sau khi thành đạo, Ngài muốn đem đạo mình chứng ngộ truyền bá khắp trong thiên hạ. Lúc đầu hỏi các ông A la lã ka lam… nhưng các vị đó đã viên tịch, Ngài bèn đi đến vườn Lộc uyển xứ Ba la nại tư, tại đây gặp năm anh em Kiều trần như, những vị trước đây đã từng theo hầu hạ Ngài.
Đức Phật vì năm anh em Kiều trần như nói pháp Tứ đế. Ngài dạy người xuất gia có hai thứ chướng ngại là sanh tâm đắm trước cảnh dục lạc mà không vượt thoát đó là nguyên nhân không thể giải thoát; và không suy nghĩ chín chắn cội nguồn khổ đau của bản thân để cầu giải thoát, nên cũng không thể đạt được sự giải thoát. Người xuất gia cần phải xa lìa hai món chấp trước đó mới là trung đạo, cứ như thế siêng năng tu tập tất có thể đạt đến đạo quả Niết bàn.
Sau Ngài trở về xứ Ma kiệt đà, giữa đường người theo xin xuất gia rất nhiều, số chúng đó phần lớn là đồ đệ của ba vị Bà la môn đạo thờ lửa. Ba vị này đã đem một ngàn đệ tử đến quy y với Ngài. Ba vị thủ lãnh đạo thờ lửa người anh đầu là Ưu lâu tần loa ca diếp, anh kế là Na đề ca diếp và em út là Già da ca diếp. Nhân sự kiện đó làm cho mọi người tại xứ Ma kiệt đà phát tâm quy hướng với Ngài rất mạnh mẽ.
Kế Ngài lại đến thành Vương xá, tại đây các vị như Xá lợi phất, Mục kiền liên, Đại ca diếp… lần lượt đến xin Phật xuất gia. Quốc vương Tần bà sa la cũng phát tâm quy y. Nhà vua kiến tạo Trúc lâm tịnh xá làm nơi kiết hạ an cư cho Phật và tăng đoàn.
Ngài lại đến núi Linh thứu, giữa đường hay tin phụ vương bịnh nặng liền quay về cố hương để viếng thăm. Bấy giờ người em khác mẹ là Nan đà cùng với những người em khác như Đề bà đạt đa, A nậu lâu đà… đều xin Phật xuất gia. Ưu ba ly cũng từ giã gia đình đến xin thế phát. Nhân đây hàng đệ tử của Ngài có hơn 1200 vị, đây là những vị thường thân cận với Ngài.
Bởi vì đức Phật thuyết pháp cũng như các nhà tôn giáo phổ thông đương thời, Ngài không đặt nặng vào số ít học giả mà thuyết những triết lý sâu xa. Ngài cũng không tán dương khích lệ pháp tu khổ hạnh lao nhọc thân tâm không có lợi ích. Đặc biệt Ngài chỉ dùng những lời dạy thiết thực đường lối rõ ràng cùng các pháp môn gần gủi dễ tu. Ngài không phân biệt người sang hèn, giàu nghèo, xuất gia tại gia… mà chỉ nhắm đến sự tu tập, bỏ ác làm lành, nuôi lớn lòng đạo đức làm căn bản. Tất cả những việc làm đó đã thể hiện tấm lòng thương xót chúng sanh vô hạn và sự nỗ lực hết mình trong công cuộc giáo hóa chúng sanh vĩ đại của Ngài.
Năm sau, Ngài lại đến Xá vệ, tại đây trưởng giả Tu đạt đa xây dựng tinh xá Kỳ thọ Cấp cô độc viên dâng cúng. Tịnh xá này trở thành đạo tràng lớn nhất thời Phật, do vậy đức Phật thuyết pháp phần nhiều đều ở tại chỗ này.
Sau Ngài lại đến Tỳ xá ly, nhân có Tỳ kheo Tu đề na khi về thăm nhà đã cùng người vợ cũ hành dâm, do sự kiện đó đức Phật chế giới tà dâm đây là cái mốc đầu tiên hình thành việc chế giới sau này. Cũng vào năm đó La hầu la xuất gia Xá lợi phất, Mục kiền liên được Phật chỉ định làm thầy dạy dỗ.
Thành đạo hai mươi lăm năm A nan xuất gia, ít lâu sau di mẫu Bát la xà đề cũng từ bỏ thế tục xin Phật xuất gia. Thế giới Ni lữ được Phật phương tiện cho phép thành lập.
Suốt cuộc đời hoằng hoá Ngài đã đi qua các khu vực như: phía bắc xứ Kiếp tỷ la đại tốt đỗ thuộc Tuyết lệ sơn, phía tây xứ Câu diệm di, phía đông xứ Chiêm ba, phía nam xứ Ba la nại tư. Các khu vực ấy đều thuộc lưu vực sông Khắc già đa và Kha cách ra. Đại để như biểu đồ sau.
Lấy sông Hằng làm trung tâm
Đông
Nam
Tây
Bắc
Tên thành
Chiêm ba, Ma kiệt đà
Ba la nại tư
Câu diệm di, Xá vệ
Ca tỳ la,
Câu thi na
Tên nước
Ma kiệt đà
Ca thi
Kiều tất la
Ca tỳ la
Đạo tràng
Trúc lâm, Linh thứu sơn
Lộc giả uyển
Kỳ thọ viên
Đại lâm tinh xá, Câu thi na la
Ngoại hộ
Ca lan đà
Da xá
Tu đạt đa
Thuần đà
Ngoài các đạo tràng trên tín đồ còn hiến cúng cho Tam bảo rất nhiều vườn, rừng, tịnh xá, nhà cửa… cho đến ven núi, bờ sông. Chí đến các khu vực như Ôn tuyền lâm, Ngưu giác sa la lâm ở ven sông Di hầu… đều là các nơi mà đức Phật khi sanh tiền Ngài cũng thường hay đến thuyết pháp.
Bài 5
GIÁO NGHĨA CĂN BẢN CỦA ĐỨC PHẬT
Giáo nghĩa căn bản của đức Phật mặc dù đầy đủ tinh nghĩa triết học, nhưng không gọi là triết học mà gọi là những lời dạy của đức Phật (Phật pháp), bởi Phật giáo vốn xem nhẹ triết học. Đức Phật đặt nặng việc giáo hoá cứu độ làm căn bản, lòng từ bi của Ngài là nhằm độ thoát tất cả chúng sanh vượt ra khỏi biển cả sanh tử, vì thế thái độ của Ngài rất dứt khoát, nghĩa là không phải không tưởng, phi lý tưởng mà chính là việc làm vô cùng thiết thực. Giáo nghĩa căn bản của đức Phật là lý Tứ thánh đế được tìm thấy trong bốn bộ A hàm, đó thật sự là những lời dạy của Ngài. Tứ thành đế là gì ? chính là Khổ, Tập, Diệt và Đạo.
Trong Tứ thánh đế Khổ và Tập là nhân quả của thế gian, Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian. Nương vào những lời dạy của Ngài về Nhân sanh quan và Thế giới quan để quán sát vũ trụ vạn hữu, thì không một pháp nào là không bi ai bức bách đây gọi là khổ. Giả sử chúng ta đối với các pháp thế gian có lúc không hẳn là không có khoái lạc, nhưng vì các khoái lạc ấy hoặc là trong chốc lát hoặc là do bởi so sánh mà có, tuyệt nhiên không thể là cứu cánh chân thật. Vì sao? Do vì chúng phàm phu từ vô thỉ đến ngày nay, mãi bị trôi lăn trong biển cả sanh tư,û mỗi ngày sự khổ cứ lặp đi lặp lại mà quên đi. Đây là quán sát nỗi khổ đau của chúng phàm phu theo lời dạy của đức Phật.
Kế đến truy cứu nguyên nhân của khổ, tức nguyên nhân thành lập thế gian mà nói rõ các loại phiền não. Phàm phu do tạo tác các phiền não nên mãi bị trầm luân trong biển cả sanh tử đây gọi là Tập đế.
Đức Phật chỉ rõ nhân quả thế gian, Ngài lại nương vào 12 nhân duyên dạy rõ sự luân chuyển tương tục của phàm phu. Do nghiệp làm nhân mượn vô minh làm duyên khến chiêu cảm sanh ra quả khổ. Vì thế công phu tu tập bước đầu của phàm phu là phải dứt hẳn đầu mối vô minh, một khi đầu mối vô minh dứt trừ thì chi mạt không thể làm chướng ngại, sẽ đạt được sự giải thoát tự tại.
Quan niệm về Khổ và Tập trên đây chỉ là tiền đề để đạt đến sự ngộ đạo. Phàm phu chúng ta cần phải có quan niệm đúng đắn về nguyên nhân Khổ và Tập mới có thể đạt đến sự giải thoát. Vì thế đức Phật lại nói tiếp về Diệt đế.
Mục đích rốt cùng của người tu là lấy quả vị Niết bàn chí thiện làm nơi quy hướng, nỗ lực chặt đứt vô minh dập tắt lửa dục nhân sanh để đạt được địa vị thanh lương giải thoát, đó gọi là Diệt đế. Diệt đế lấy gì làm nhân, lấy Đạo đế làm nhân. Do vậy đức Phật vì chúng sanh nói Bát chánh đạo, pháp này có công năng giúp chúng sanh đạt đến quả Niết bàn chí thiện. Như thế tuyên nói cả hai lần nhân quả mê ngộ, đây chính là giáo nghĩa căn bản của đức Phật.
Luận về hình thái vũ trụ và các loại giáo nghĩa khác đều do từ Nhân sanh quan, Thế giới quan của Tứ đế mà lưu xuất. Do vậy giáo nghĩa căn bản của đức Phật không đi ra ngoài Tứ thánh đế. Bởi giáo nghĩa này hơn hẳn giáo nghĩa phái Số luận cùng các phái khác. Giáo nghĩa của Ngài đã trở thành luận đề chính xác về các pháp trong thế giới, vì thế Phật học được xác lập là tôn giáo có nền giáo học cách tân đặc thù triết học, chẳng phải như các nhà học giả quanh co sau này chỉ giỏi tưởng tượng bắt chước mà thôi. Do tính chất đó chúng ta tôn xưng Phật là bậc đại thánh là lẽ tất nhiên vậy.
Bài 6
ĐẠO ĐẾ VÀ LỤC ĐỘ
Đạo đế là một pháp trong Tứ đế nội dung trình bày về 37 phẩm trợ đạo. Truy tìm nguồn gốc ban sơ của Đạo đế đó là Bát chánh đạo.
Khi đức Phật mới thành đạo ở vườn Lộc giả, vì năm anh em Kiều trần như dạy pháp trung đạo tức Bát chánh đạo. Sở dĩ Ngài nói Bát chánh đạo vì hai nguyên nhân.
1. Do phàm phu không nhận rõ được thế gian vốn là khổ, không, vô thường… vì thế sanh tâm tham đắm các pháp lấy khổ làm vui, khiến rơi vào sự tà chấp một bên.
2. Do chúng ngoại đạo mê mờ khước từ mọi lạc thú thế gian nương vào khổ hạnh để mong cầu giải thoát, đây cũng là rơi vào sự tà chấp một bên.
Đức Phật vì cứu độ hai loại thiên chấp nguy hiểm của chúng phàm phu và ngoại đạo, nên Ngài nói Bát chánh đạo để quy về trung đạo. Nhưng giữa Bát chánh đạo và Lục độ có mối quan hệ như thế nào. Đây là vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu.
Nói một cách đơn giản tu Bát chánh đạo kiêm hành Lục độ tức là tên gọi khác của tự lợi lợi tha, cũng có thể gọi là tiền đề của sự lợi ích chúng sanh. Vì sao? Như phàm phu tinh cần tu Giới định tuệ trước hết phải chấp nhận hy sinh mọi quyền lợi cá nhân, nhẫn nại đối với mọi khó khăn gian khổ sau đó mới có thể thành tựu Giới định tuệ, đạt đến mục đích cứu cánh vô thượng Niết bàn.
Kế xét phương diện lợi tha, trước cần tinh tấn tu Giới định tuệ sau đó mới có thể cam chịu hy sinh mọi quyền lợi cá nhân, nhẫn nại đối với mọi sự khó khăn gian khổ, chỉ vì lợi ích của chúng sanh khiến mình và người đồng lên bờ giác ngộ, thành tựu mục đích tối hậu là quả vị Vô thượng bồ đề.
Hoặc có thuyết cho rằng hai pháp Bố thí và Nhẫn nhục trong Lục độ, là xuất phát sau thời kỳ Phật giáo nguyên thỉ giai đoạn Phật học phát triển. Quan điểm này hoàn toàn không chính xác, bởi hạnh Lục độ của Bồ tát đã có trong Bổn sanh đàm sao lại nghi ngờ. Nay xin nêu ra mối liên hệ giữa Lục độ và Bát chánh đạo như sau.
bai6
Giáo nghĩa căn bản của đức Phật đại để là như vậy. Xưa nay các bậc tiên đức đều tuân thủ, đem một đời thuyết giáo của đức Phật phán định thành Tam thời, Ngũ thời, Thậïp thời; Nhị giáo, Tứ giáo Ngũ giáo, Lục giáo, Thất giáo… Nay đối với các sự phán giáo đó chẳng khác nào như lan mùa xuân cúc mùa thu, tất cả đều hiện vẻ đẹp tranh nhau đua sắc khoe hương.
Mối liên hệ giữa Lục độ và Bát chánh đạo, mặc dầu chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu nhưng trí lực có hạn thời gian không cho phép, nên không thể làm sáng tỏ được. Chỉ mong có dịp khác chúng tôi sẽ trình bày vấn đề này đầy đủ hơn.
Bài 7
NGHỊ LỰC CỦA ĐỨC PHẬT
Nghị lực của đức Phật phải do nơi đức hạnh và trí tuệ thâm sâu của Ngài mới thấy được. Còn nương vào hành vi cử chỉ của Ngài, chúng ta khó có thể đoán biết được rõ ràng.
Quán sát cuộc đời của đức Phật từ lúc thiếu thời cho đến năm hai mươi tuổi, lìa bỏ cung thành Ca tỳ la vệ hy sinh mọi sự vinh quang của đế chúa, trừ bỏ sự giàu sang của hoàng cung an nhiên đến rừng khổ hạnh, từ một vị thái tử tôn quý thế mà chốc lát Ngài trở thành một người ăn xin. Có khi Ngài nhịn ăn, có khi Ngài nằm trên gai bố nhận những thức ăn vương vãi của chim chóc để nuôi mạng sống, các tướng trạng khổ hạnh như thế chúng ta nghe rất đau lòng, thế mà đối với Ngài chẳng một chút bận tâm.
Trải dài sáu năm tu khổ hạnh ở Tuyết sơn, trước sau Ngài chỉ lấy việc cầu đạo Vô thượng làm mục tiêu tối hậu. Với sự hy sinh bấy nhiêu thôi cũng đủ để cho kẻ hậu học thêm phấn chấn, khiến người ngu khờ suy xét hàng nho phu lập chí vậy.
Quan sát lời phát nguyện của Ngài: “Giả sử mặt trời mặt trăng có thể rơi rụng xuống đất, núi chúa Tuyết sơn có thể dời khỏi chỗ cũ, nếu Ta chưa chứng được quả vị chánh giác, đắm trước mọi thế sự đem thân phàm phu trở về hoàng cung, quyết không bao giờ có việc đó xảy ra. Ta nay thà nhảy vào hầm lửa hừng hực đống lửa nóng bức, nếu không đạt được quả vị cứu cánh mà trở về hoàng cung, quyết không bao giờ có việc đó xảy ra”. Sự lập chí một cách kiên quyết của Ngài, âu cũng là tiêu biểu cho đức hạnh trí tuệ và sự dõng mãnh của Ngài vậy.
Sau khi thành đạo đối với hàng đệ tử, đức Phật tuỳ theo căn cơ trình độ của mỗi người mà ban bố giáo pháp. Lời dạy của Ngài không lúc nào ngưng nghỉ, thậm chí khi im lặng cũng làm cho đệ tử thấu đạt nghĩa mầu, quả thật là hiếm có.
Hôm nay chúng ta đối trước tôn tượng của đức Thích ca mâu ni đảnh lễ, quan sát dung nhan rực sáng trang nghiêm chứa đựng đầy vẻ hoà ái thân thương, khiến cho chúng ta không khỏi sanh tâm kính cẩn thương mến mong được Ngài gia hộ, qủa thật đối với sự thành đạo của Ngài đáng nêu cao vậy.
Kể từ ngày chứng đạo Bồ đề cho đến năm 80 tuổi, vì sự nghiệp giáo hoá chúng sanh Ngài thường đi khắp nơi chưa có lúc nào dừng nghỉ, tấm lưng chưa có lúc nào ấm chiếu. Ngài rày đây mai đó khi ở Ma kiệt đà khi ở Tỳ xá ly, khi ở Xá vệ khi ở Ca tỳ là vệ… Sự giáo hoá độ sanh của Ngài vô cùng nhiệt tâm, so với các vị giáo chủ đương thời không một ai có thể sánh bằng.
Ngay khi mới thành đạo Ngài chưa từng lúc nào rời bỏ ý niệm hoằng pháp lợi sanh, ít khi chạy theo cảm tính con người ở mỗi quốc độ. Suốt cuộc đời luôn thấy Ngài lúc nào cũng ung dung với lý trung đạo, thanh thoát trước mọi vấn đề phức tạp phiền toái. Sự biểu hiện đó chẳng phải là do “ Thành thật bên trong mà biểu hiện ra bên ngoài” sao.
Đến lúc sắp nhập Niết bàn, từ Ma kiệt đà đi đến Tỳ xá ly giữa đường lâm trọng bịnh, Ngài cảm nhận sự hoá duyên của mình sắp mãn gần từ giã thế gian. Tôn giả A nan thấy cảnh đó ưu sầu rơi lệ, Phật dạy nên giữ tâm an tịnh không được than khóc, lời nói của Ngài lúc bấy giờ thật vô cùng thâm tình tha thiết.
Bấy giờ Ngài rẽ về hướng tây đi đến rừng Ta la ngoại thành Câu thi na. Tại đây Ngài nằm trên võng dưới cội cây Sa la, sai A nan nhóm họp các đệ tử dặn dò những lời sau cùng. Suốt cả cuộc đời Ngài thuyết pháp không bao giờ mệt nhọc độ sanh chưa từng có ý niệm chán nản.
Trong kinh Di giáo có đoạn: “Thích ca mâu ni ban sơ chuyển pháp luân hoá độ năm anh em Kiều trần như, sau cùng thuyết pháp hoá độ tôn giả Tu bạt đà la, những ai có cơ duyên hoá độ đều được Ngài hoá độ. Lúc ở Ta la song thọ sắp nhập Niết bàn, bấy giờ là khoảng nửa đêm lặng yên không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ tử mà lược nói những điểm chính yếu của chánh pháp…” đây là những lời dạy cuối cùng của đức Thích ca Như lai bậc đạo sư của ba cõi.
Khi đức Phật sắp vào Niết bàn, quang cảnh khắp nơi đều lặng yên tịch tịnh, trên đây là những lời tóm lược về cuộc đời của đức Phật được truyền lại.
Bài 8
NHỮNG NGHỊCH DUYÊN VÀ
TRẠNG THÁI NIẾT BÀN CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Phật được nhiều người trong xã hội kính ngưỡng, nhưng bên cạnh đó những người chống đối Ngài không phải là ít. Trong số những người chống đối quyết liệt nhất vẫn là tín đồ Thiền na giáo, như vua A xà thế nước Ma kiệt đà. Nhà vua lúc đầu tin theo Thiền na giáo, lại thân tín Đề bà đạt đa và tôn Đề bà đạt đa làm thầy.
Đề bà đạt đa mặc dầu là đệ tử của Phật, nhưng thường bày mưu tính kế ám hại Ngài. Trong đó nổi bật có ba việc, lúc đầu xua voi lớn hại Phật, kế sai người điên cuồng mắng chửi, sau leo lên núi cao xô đá lớn đè Ngài nhưng cả ba lần đều không đạt thành kết quả.
Cuối cùng Đề bà đạt đa tự xưng là đại sư, cho rằng Bát chánh đạo của Phật thuyết chẳng phải chân đạo, chỉ có năm pháp của mình lập ra mới là chân đạo. Năm pháp của Đề bà đạt đa như sau.
1. Tỳ kheo suốt đời phải mặc y phấn tảo.
2. Tỳ kheo suốt đời phải đi khất thực.
3. Tỳ kheo chỉ được phép ngồi ăn một lần (ăn xong đứng dậy không được ngồi xuống ăn lại).
4. Tỳ kheo thường phải ngồi giữa đồng trống.
5. Tỳ kheo không được ăn cá thịt, máu huyết… tanh nồng.
Năm pháp này so với giới luật của Phật chế có tính nghiêm khắc hơn… nhân đó được nhiều người tín ngưỡng. Nhưng chẳng bao lâu mưu kế bại lộ, Phật pháp vẫn y nhiên thạnh hành tại xứ Ma kiệt đà.
Sau này A xà thế chiếm lãnh vùng Thất na đại tất để kiêm thêm vùng đất cũ Ca tỳ la, tự xưng là Minh chủ trung ấn, tuy trước vô cùng bội nghịch nhưng sau phát tâm quy y, và trở thành một vị ngoại hộ đắc lực trong hàng vua chúa. Nếu không do lòng từ bi bao la và trí tuệ siêu việt của đức Phật cảm hoá, A xà thế không bao giờ có được sự tỉnh ngộ như vậy.
Đức Phật thành đạo 49 năm (có thuyết 45 năm) hai lần vào thành Ba ly bà vùng phụ cận Tỳ xá ly, Ngài tự biết còn ở thế gian không bao lâu bèn nhóm chúng tại thành Bà ly bà, thọ nhận sự cúng dường cuối cùng của Thuần đà, đồng thời cùng A nan đi đến Ta la thọ viên lưu vực Kỳ liên thiền đại để, nằm an nghỉ trên giường bịnh. Bấy giờ tại địa phương có một vị Bà la môn già tên Tu bạt đà la khẩn cầu Ngài nói pháp Tứ đế. Đây là lần nói pháp sau cùng của cuộc đời Ngài.
Đức Phật nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi nhằm ngày 15 tháng ba Dân quốc 2397 năm (có thuyết 2839 năm?). Đệ tử lớn là Đại Ca diếp lúc đó đã đi giáo hoá ở thành khác. Đại chúng chờ Ngài về mới cử hành trà tỳ. Trà tỳ xong quốc vương tám nước phân chia Xá lợi xây tháp cúng dường.
Bài 9
NHỮNG LỜI DI CHÚC ÂN CẦN CỦA ĐỨC PHẬT
Trong thời gian sắp nhập Niết bàn, đức Phật đã vì các đệ tử nói những lời pháp sau cùng. Những lời pháp đó được ghi lại đầy đủ trong kinh Di giáo. Ngày nay mỗi khi đọc lại bản kinh, chúng ta có thể tưởng tượng được quang cảnh Hạc lâm, tiếp cận lại ân đức và dung nhan của Ngài thấy mình như cùng dự vào cảnh sau cùng của cuộc đời Ngài.
Nội dung kinh Di giáo là thuyết minh lý Tứ đế, lại trong đó đức Phật đã ân cần dặn dò hàng đệ tử phải lấy giới luật để ngăn ngừa và trang sức đời mình. Yù Ngài dạy hàng đệ tử phải tôn kính giới luật, không sanh tâm đắm trước vào các dục lạc thế gian, ngõ hầu bảo hộ tâm ý để khỏi làm tổn hại cho chánh pháp.
Sau nhiều lần ân cần dặn dò giờ phút cuối cùng Ngài dạy : “ các thầy Tỳ kheo đối với bốn pháp khổ, tập, diệt, đạo các thầy còn chỗ nào nghi ngờ thì nên mau thưa hỏi, không nên nghi ngờ mà không cầu sự quyết định. Đức Phật lặp lại ba lần như vậy nhưng trong chúng chẳng có ai thưa hỏi. Vì sao như vậy ? vì trong chúng chẳng còn ai nghi ngờ.
Lúc ấy tôn giả A nậu lâu đà quan sát tâm niệm đại chúng mà bạch Phật: “bạch đức Thế tôn mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi nhưng pháp Tứ đế do Ngài tuyên thuyết thì không bao giờ đổi khác”. Phật lại dạy: “các thầy Tỳ kheo các thầy đừng ôm lòng sầu muộn, nếu ta ở lại thế gian một kiếp nữa thì hội họp nào rồi cũng tan rã, hội họp mà không tan rã là điều không thể có. Những việc tự lợi và lợi tha ta đều làm đầy đủ. Nếu ta trụ lại ở đời cũng chẳng có sự lợi ích gì. Những ai có khả năng tiếp nhận sự cứu độ dù ở trên trời cho đến chốn nhân gian Như lai đều hoá độ. Ai chưa được hoá độ thì Như lai cũng đã tác thành nhân duyên đắc độ cho họ sau này. Từ nay về sau các đệ tử của ta hãy thực hành và hoằng dương chánh pháp. Nếu làm được như thế thì pháp thân của Như lai thường trụ bất diệt. Vì vậy các thầy phải biết cuộc đời vốn là vô thường có hội họp tức có biệt ly, các thầy chớ có ôm lòng sầu muộn các tướng thế gian đều là như vậy. Các thầy phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, đem ánh sáng trí tuệ để diệt trừ bóng tối vô minh”. Đức Phật vì các đệ tử vỗ về an ủi khuyến khích động viên họ, khởi lòng xót thương vô tận đối với mọi người.
Lúc đó các đệ tử vây quanh, qua lời Phật dạy đã ngăn bớt lòng bi ai sầu muộn, lắng nghe những lời răn dạy cuối cùng của Ngài. Sau cùng đức Phật lại bảo: “Thôi! các thầy hãy nên im lặng không nên nói nữa, thời gian đã hết Như lai muốn diệt độ. Trên đây là những lời dạy cuối cùng của Như lai”. Âm thanh thật đáng cung kính, dù ngàn năm sau chúng ta như vẫn còn nghe lại những lời dạy ân cần của Ngài.
Trên đây là đoạn văn mô tả quang cảnh lâm chung của đức Phật, có thể khiến cho những người sau này đọc lại rõ biết được tấm lòng thương xót của Ngài đối với vạn loại chúng sanh. Qua đó cũng đủ làm cho phàm phu chúng ta hết lòng quy ngưỡng đấng đại thánh Thích ca mâu ni vậy.
Đến khi kim thân của Ngài rực sáng khói bốc đầy không trung, chư thiên tung hoa cúng dường như mưa, đánh trống trời vang lừng đồng cùng nhau đi xuống cõi trược. Cho đến khi Ngài nhập Niết bàn các loài chim chóc cầm thú gào rống thảm thương, hết thảy cây cỏ đều chuyển sang màu trắng cả đại địa thảy đều chấn động.
Những thoại tướng khi đức Phật Niết bàn được diễn tả trên đều là sự thật. Chứ không phải có thuyết thuật lại như vầy: “Có một vị Tỳ kheo già ở bên bờ sông Bạc đề nhìn các đệ tử rơi lệ, hết lòng khai thị rề rà chẳng nhọc mà cảm hoá được rất nhiều người”.
Bài 10
KHÁI LƯỢC VÀI NÉT CĂN BẢN
VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO
Ấn độ Phật giáo sử lược nói: “Niên đại đức Phật nhập diệt các bộ phái đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, do đó chúng ta rất khó khảo cứu để xác định một cách chính xác. Nay đơn cử Chúng thánh điển ký là tác phẩm có uy tín nhất có thể tin tưởng được. Đếm ngược lại số chấm trong Chúng thánh điển ký để tìm ra khoảng thời gian đức Phật nhập Niết bàn, tức khoảng trước Dân quốc 2397 năm.
Sau Phật nhập Niết bàn không bao lâu, là thời gian các đệ tử Phật đối với một vài vấn đề như Phật thân quan, Nhân thân quan, Vũ trụ quan… lần hồi có quan điểm biến đổi, nhân đó mà chia thành hai phái là phái Bảo thủ và phái Cải tiến.
Phật Niết bàn khoảng 100 năm, Phật giáo bèn chia thành hai bộ phái là Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ. Trong hai bộ phái này hoặc tôn trọng sự truyền thừa không chấp nhận cải cách, hoặc đặt nặng về mặt lý luận mà đối với các giáo nghĩa giải thoát tôn giáo, lần hồi biến thành những tư duy và biện luận phức tạp, hoặc đặt nặng sự thực hành mà xem nhẹ việc lý luận. Với những chủ trương sai khác như thế, khiến từ hai phái lần hồi chia ra thành những phái nhỏ.
Phật Niết bàn 200 năm từ Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ phân chia thêm 18 bộ phái khác nhau. Đến triều đại A dục Phật giáo được nhà vua bảo hộ, phát triển rộng ra trong và ngoài nước. Vương tử Ma sái đà đem Phật giáo truyền sang Tích lan và trở thành vị thỉ tổ của Phật giáo Nam truyền.
Các học giả cận đại về phương diện nghiên cứu tình hình phát triển Phật giáo, họ đều lấy Tích lan và các nước lân cận như Miến điện, Xiêm la… từ Tích lan truyền sang làm Nam phương Phật giáo, và tại Ấn độ cùng các nước Phật giáo ở châu Á ngoài Ấn độ là Bắc phương Phật giáo tức nương vào thuyết này.
Đến khi Phật nhập Niết bàn 600 năm (nhằm thời Tiền Hán), do có liên quan đến các tánh chất như Phật đà, Bồ tát, La hán và giáo lý tri, đoạn, tu, chứng, nhân quả… nên phần lớn lập thuyết về các vấn đề này có sự biến hoá. Tuy vậy Phật giáo ở giai đoạn đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa nguyên thỉ, lấy việc nhập Niết bàn chứng quả A la hán làm chủ trương chính yếu. Giáo nghĩa “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” chưa được phát triển rộng rãi.
Do đức Phật Niết bàn chưa bao lâu, sức cảm hoá vẫn còn ảnh hưởng mạnh, nên các đệ tử đều y vào các tập quán thông lệ từ xưa. Trong thời gian này đối với một số tăng sĩ, tuy ý nguyện cải cách giáo lý từ từ và nhanh chóng đã nhen nhúm nhưng vẫn chưa hình thành rõ ràng. Đến giai đoạn Ca nị sắc ca ra đời có sự điều hoà các bộ phái với nhau, đồng thời do sự xen tạp của các tôn giáo từ Ba tư truyền vào và các tôn giáo tại Ấn độ, trước tình hành đó Mã minh và Long thọ kế tục xuất hiện để hoằng dương giáo lý Đại thừa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.17/6/2021.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment