Sunday, June 20, 2021
Ý NGHĨA QUY Y VÀ THỌ NGŨ GIỚI CẤM.
Quy y có vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca. Người quy y đầu tiên là cha mẹ của trưởng lão Yassa là một người giàu có. Ngài Yassa một hôm thức giấc nhìn thấy nhiều người phục vụ nằm ngủ la liệt, trong đó có người mở mắt, người nhắm mắt, người chảy nước dãi, người ngáy, người rên. Hình ảnh không mấy gì đẹp đẽ ấy làm cho Yassa nhàm chán, buồn bã bỏ đi, nhưng thực sự không biết đi đâu. Một hôm, ngài đi ra khỏi nhà. Đức Phật thấy duyên lành của ngài Yassa bèn phóng hào quang đưa Yassa đến gặp Đức Phật, liền sau đó Yassa nghe phật giảng pháp và hoan hỷ xuất gia, không bao lâu đã chứng đạo giác ngộ. Sáng hôm sau, cha mẹ và 54 người bạn của Yassa biết ngài mất tích nên cùng nhau đi tìm. Họ đến gặp Đức Phật, nghe Đức Phật thuyết bài Pháp xong liền phát tâm quy y Tam bảo. Phật nói: “Ông bà quy y xong sẽ tìm thấy con!”. Đó là hai người đầu tiên quy y Tam Bảo. Trước kia, có hai thanh niên lái buôn ở Miến Điện cũng đã quy y theo Pháp nhị bảo tức là quy y Phật, quy y Pháp. Lúc bấy giờ chưa có giáo hội Tăng già nên chỉ có nhị bảo.
Vậy quy y Tam Bảo là gì?
Tam là ba, quy là trở về, quy y Tam bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nghi thức quy y: phải có những lễ phẩm như đèn hoa, trái cây, tâm thành kính lễ bái sư. Nơi quy y: có thể là một ngôi chùa, có thể là tư gia. Chùa là nơi quy y hợp lý hơn. Nên hôm nay quý Phật tử đến thiền viện Bồ Đề để quy y và chọn vị thầy bổn sư là người hướng dẫn cho mình quy y để học đạo, hiểu biết chánh pháp. Khi đã quy y rồi thì nên biết rằng chùa nào cũng là chùa chung cho mọi người tu tập. Vị Sư là ngón tay chỉ cho quý vị thấy mặt trăng. Vị sư không phải mặt trăng. Do đó quý vị nên tự mình thưởng thức vẻ đẹp của mặt trăng, nó tròn sáng, lung linh, huyền ảo hay rực rỡ như thế nào chứ đừng ngắm ngón tay dài hay ngắn, đẹp hay xấu, có ghẻ hay không có ghẻ.
Quy y Phật pháp là nương vào Tam bảo để tu tập. Cổ nhân có câu: ‘’Y pháp bất y nhơn’’. Tức là dựa vào pháp để tu sửa tâm tính, không dựa vào con người nhất định nào. Đối tượng quy y là quy y Phật, Pháp, Tăng.
Tại sao quy y Phật? Quy y Phật vì Phật là một người đã giác ngộ thực sự thấy được chân lý. Chân lý và lời giải của ngài có thể giúp chúng ta hết khổ. Ta có thể tự hào Đức Phật là một vị vua đã giác ngộ. Suốt cuộc đời Ngài phục vụ cho chúng sanh. Từ địa vị là một ông vua, Ngài cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ hoàng, gỡ cánh tay bám víu của hiền thê, rời bỏ đứa con thơ mới mở mắt chào đời còn nằm bên lòng mẹ. Con người anh hùng chí khí đó đã ra đi với tất cả ý nghĩa của sự thoát ly mà sự thoát ly đó vẫn còn vang dội cho đến ngày hôm nay. Tất cả chúng ta ngồi đây là chịu ảnh hưởng của sự xuất gia thoát ly của Đức Phật.
Tại sao Quy y Pháp? Quy y Pháp vì giáo Pháp của Đức Phật có khả năng giúp ta bớt khổ, thực tập lời dạy của Ngài giúp ta giải thoát được phiền não. Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 8 có trích đăng thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon gởi cho đại lễ Phật Đản Vesak trên thế giới: ‘’ Đức Phật, sự Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn của Ngài được chúng ta kỷ niệm mỗi năm vào ngày rằm tháng tư Vesak, đã để lại cho nhân loại kho tàng giáo lý rộng sâu và kho tàng giáo lý ấy có thể định hướng cho những nổ lực giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay.
Lời huấn thị của Ngài chống lại ba thứ độc hại, đó là Tham lam, Sân hận và Si mê. Lời huấn thị ấy có thể khơi dậy những cuộc hội đàm đa phương về sự đói kém đang ảnh hưởng đến gần một tỷ người trong thế giới giàu có của chúng ta, về sự bạo lực đầy thú tính, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm, và về sự tàn phá môi trường một cách vô tội vạ, gây nguy hại cho ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là trái đất mà chúng ta đang sinh sống.’’
Chúng ta thấy Đức Phật và giáo pháp của ngài quá vĩ đại. Lời dạy của Phật có thông điệp chuyển tải tinh thần từ bi quá lớn cho nhân loại, phát huy trí tuệ từ bi chánh kiến cho nhân loại. Giáo Pháp của ngài là văn hóa lớn cho nhân loại, là tinh thần bất bạo động nên Hội Đồng IOC hằng năm tổ chức Lễ Vesak Tam Hợp trên thế giới quy tụ các truyền thống Phật giáo đến tham dự. Pháp có hai, Pháp học và pháp hành, nên chúng ta Quy y Pháp là quy y Pháp học và quy y Pháp hành. Pháp học là có 84 ngàn pháp môn, những khuôn vàng thước ngọc của phật thuyết giảng trong suốt 45 năm. Pháp hành là tinh hoa lời phật dạy, người hành theo có khả năng giác ngộ, chấm dứt khổ đau, giác ngộ giải thoát, không còn sanh tử luân hồi.
Tại sao Quy y Tăng? Tăng tiếng Pali gọi là Sangha, nghĩa là đoàn thể tăng già, đệ tử của đức Phật. Tăng có hai hạng Thánh tăng và Phàm tăng. Thánh tăng là những vị đã chứng đắc quả vị từ Tu Đà huờn đến Ala hán. Phàm Tăng là những vị đang tập tành tu học để đạt đến đạo quả giải thoát. Các ngài vừa tu vừa hướng dẫn bá tánh đi theo đúng con đường giác ngộ của Chư phật, hình ảnh của các ngài là mô phạm quần sanh, là phước điền của chư thiên và nhân loại. Do đó quy y tăng là để khẳng định niềm tin của chúng ta với phật pháp trong kiếp này, từ đó tiếp tục tu hành đúng chơn lý dưới sự hướng dẫn của hàng xứ giả Như lai, đó là nhân tố tốt để gặp phật trong tương lai.
LỢI ÍCH CỦA QUY Y
Người nào quy y Phật, lạy Phật, tán dương đức Phật thì có phước báu lớn. Có phước lớn thì có thể có địa vị cao trong xã hội ví dụ như làm chủ tịch, giám đốc. Nếu đi tu thì làm pháp chủ, làm trụ trì, làm tăng thống.
Quy y Pháp, lạy Pháp, cúng dường Pháp Bảo, ấn tống kinh sách thì có phước trí tuệ. Cho nên người nào thấy mình không sáng suốt, học ít thì ráng ấn tống kinh sách băng giảng cho nhiều để được phước trí tuệ.
Quy y Tăng thì có phước giàu sang bởi Tăng là phước điền của chúng sanh. Vì sao? Vì quy y Tăng chúng ta gần gũi học phật pháp và bố thí, mà bố thí là nguyên nhân phát sanh phước giàu sang.
Thời đức Phật còn tại thế, có ông Cấp cô Độc sau khi quy y Phật đã tìm đất cúng cho Phật làm chùa. Ông cúng chừng hai ba chục mẫu để xây dựng Kỳ Viên Tịnh Xá. Mỗi ngày ông thỉnh 500 vị sư để bố thí, cúng dường đến nỗi chư thiên ở trong nhà ông ganh tỵ vì họ có tâm bỏn xẻn. Có vị chư thiên đã khuyên ông Cấp cô Độc thôi đừng làm phước nhiều quá tài sản dễ bị cạn kiệt. Nhưng ông Cấp cô Độc lúc bấy giờ đã chứng quả Tu Đà Hườn bèn nói: “ Tôi có tâm thí mà ông không đồng tâm với tôi thì ông làm ơn đi ra khỏi nhà tôi”. Vị chư thiên bị đuổi ra khỏi nhà ông Cấp Cô Độc bèn lang thang gặp vua trời Đế Thích van xin, nói hộ ông Cấp cô Độc dùm và xin cho được ở lại trong nhà ông. Vua trời Đế Thích nói với vị chư thiên này rằng: ‘’ Tội nhà ngươi đáng chết, dám xúc phạm với vị thánh đệ tử phật, thôi thì tôi có lời khuyên: Ông hãy dùng thần thông thu gom tài sản lại cho ông Cấp cô Độc đã thất thoát nhiều năm bởi động đất, mưa bão v.v… nay đã trôi ra biển cả, sông ngòi. Thu gom về đem để vào kho của Ông Cấp Cô Độc. Làm xong việc đó, ông về xin sám hối và có thể ông hoan hỷ cho ở lại tiếp. Vị chư thiên làm đúng như lời Vua trời Đế Thích dặn nên có hiệu quả, vị chư thiên hoan hỷ quá.’’.
Vậy nên bố thí hợp đạo, phước sẽ tăng trưởng. Người có quy y Tam bảo, tà ma không bao giờ dám quấy nhiễu, bùa ngãi không bao giờ làm tổn hại được. Người quy y đọc nhiều lần câu: Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng thì không tà ma nào xâm hại được.
Thế nào là đứt quy y?
Có hai trường hợp đứt quy y, bỏ phật giáo theo một tôn giáo khác, hai khi thân hoại mạng chung. Trường hợp thứ nhất mong rằng Phật tử ta không nên làm, vì bỏ tôn giáo mình theo một tôn giáo khác là một điều trái đạo lý luân thường, tâm không chung thủy, biết ơn. Làm người vong ơn như thế thì nghiệp chướng nặng nề. Tuy nhiên vì hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải bị theo một tôn giáo khác thì nhớ rằng phật tại tâm, làm lành lánh dữ, giữ tâm ý trong sạch, đó cũng là quy y đúng nghĩa. Trường hợp thứ hai là lẽ thường tình thế gian, khi chết là đứt Tam quy. Tuy nhiên theo Phật giáo, chết là sự thay đổi kiếp sống, đổi từ hình thức này sang hình thức khác, tùy thuộc tâm thiện ác và nghiệp lực của chúng ta. Nếu người làm thiện thì sự thay đổi nhàn cảnh, người làm ác thay đổi khổ cảnh. Người có quy y, lúc chết đứt quy y, nhờ phước quy y nên sanh nhàn cảnh, ở đó họ lại tiếp tục gặp phật pháp và quy y
Thế nào là bợn nhơ quy y?
Qúy vị đã quy y Phật, Pháp, Tăng, tin lý nhân quả nghiệp báo nhưng vì tham lam lại lễ bái những thần linh khác, cầu nguyện van xin những vị thần khác gia hộ ngoài Phật Thích Ca, ngoài Tăng đoàn như thế gọi là bợn nhơ quy y. Bợn nhơ là tâm bị cấu uế bởi đối tượng thần quyền ngoài tam bảo, mang tính cách phi nhân bản, xa lìa nhân quả, dị đoan v.v… đặc biệt là không chánh kiến. Đức phật dạy: người không chánh kiến luân hồi sẽ vô cùng vô tận.
Cho nên hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình.Tội hay phước là do tâm mình tạo, chỉ có tâm ta thiện hay bất thiện, chỉ có tâm ta vị tha hay ích kỷ.
NGŨ GIỚI
Tiếng Phạn là PANCA SILA, ngũ giới là nền tảng của phật giáo, là căn bản đạo đức của con người. Đức phật dạy, có bốn châu thiên hạ, chúng ta đang sống ở Nam thiện bộ châu, tuổi thọ 100 tuổi, còn người ở xứ Bắc cu lưu châu con người sống 1000 tuổi, ngũ giới thì tự nhiên, tức là ai sanh vào xứ này cũng đều có giữ ngũ giới, nên thân hoại mạng chung sanh nhàn cảnh. Ngũ giới là 5 điều phật cấm không được phạm, đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Trước nhất không sát sanh là người phật tử thậm chí không được giết con vật dù nhỏ xíu, vì không giết để huân tập lòng từ bi và gieo chủng tử giải thoát. Ngược lại chúng ta sẽ sa đọa và yểu thọ.
Thực tế, chúng tôi có quên một gia đình ở dưới quê có một người phụ nữ làm quản lý khu du lịch sinh thái . Bà ta điều hành một nhà hàng, vì vậy do lợi nhuận, hàng ngày phải sát mạng chúng sanh rất nhiều. Một hôm, bà ta bị nhồi máu cơ tim chết lúc mới 50 tuổi. Người chồng thương tiếc khóc lóc thảm thương. Chúng tôi nghiệm ra một điều là do bà ta sát sanh, hại vật quá nhiều cho nên oán nghiệp chồng chất đến rất nhanh và phải chết bất đắc kỳ tử.
Thông thường, con người ta sống từ 1 đến 59 tuổi mà chết thì gọi là yểu thọ. Trên bia mộ thường ghi là hưởng dương. Còn trên 60 tuổi mà chết thì ghi là hưởng thọ. Nên người sống đến 80 tuổi thì rất quý.
Vậy, giữ giới sát sanh thì sống trường thọ. Ở đất nước Ấn Độ người ta có truyền thống chúc nhau: Chúc cho gia đình bạn, ông chết, cha chết rồi đến con chết. Đó là một điều may mắn. Vì nếu như ông phải khóc cháu, cha phải khóc con thì đó là sự bất hạnh của gia đình.
Người giữ giới không trộm cắp (không lấy của người ta không cho) thì được nhiều tài sản, có tài sản cũng không bị người ta lấy cắp. Trong thực tế có nhiều người bị bệnh ăn cắp vặt, thấy cái gì thích là lấy bỏ túi. Đó là một thói quen xấu. Người trộm cắp sau này không có của cải. Nếu có thì hay bị mất cắp.
Giữ giới không tà dâm (sống chung thủy một chồng một vợ) không hành động, gần gũi với người khác phái mà xã hội cấm, cha mẹ cấm, anh em cấm thì sẽ không khổ đau về tình yêu, không bất hạnh về tình cảm, luôn được hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình. Tất cả đều do phước báu của chúng ta mà ra.
Giữ giới không nói dối, tức người phật tử phải nói lời chân chánh. Song song với việc không nói dối, chúng ta còn không nói đâm thọc, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác. Tóm lại người giữ được giới này sẽ có uy tính trong xã hội, bạn bè quý mến, gia đình hạnh phúc, xã hội bình an. Quả báo người giữ giới này sẽ có quyền lực cao, địa vị lớn trong xã hội.
Giữ giới không uống rượu và các chất say là một điều cấm kị trong nhà phật. Như vậy rượu đã cấm, bia cũng không được uống và những chất say người phật tử chân chánh cũng không được phép. Tại sao đức Phật cấm điều luật này? Vì ngài nhận thấy rằng rượu và chất say có nguy cơ làm băng hoại thân này, gia đình không hạnh phúc, xã hội không thanh nhàn. Điều đáng lưu ý hơn rượu bia nhiều quá, khi sanh con tỷ lệ thông minh của chúng kém. Chất say có công năng làm hiện tại và tương lai của chúng ta ù lì, kém thông thái và có nguy cơ dẫn đến thần kinh, đến chừng đó bản thân chúng ta khổ và những người xung quanh lại càng khổ hơn. Nên tôn trọng tất cả, chúng ta cố gắng giữ điều học này.
LỢI ÍCH KHI GIỮ NGŨ GIỚI
đức Phật dạy có những lợi ích của người giữ học giới như sau:
1) Dạn dĩ, tự tin khi đi vào đám đông
2) Ngủ cũng được an vui
3) Thức cũng được an vui
4) Tâm không bấn loạn lúc hấp hối
5) Sau khi thân hoại mệnh chung, sanh làm chư thiên.
Quả báo của người giữ giới, sẽ có đầy đủ tứ chi, trong gia đình quyền lực giàu có, đạo đức, mới sanh ra là được hưởng phước liền. Qúy vị biết khi thọ trì giữ giới chư tăng thường tụng đọc: Các chúng sanh được sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh giải thoát nhập Niết bàn cũng nhờ giữ giới. Bởi các cớ ấy, nên quý thiện tín, phải ráng thọ trì giới luật cho được trong sạch, đừng có lấm nhơ’’ .
Giàu sang ở đây muốn nói biết đủ là giàu sang. Người biết đạo luôn sống không hoang phí.
Hôm nay quý Phật tử đã quy y Tam Bảo. Xin tán dương công đức đến chín Phật tử đã phát tâm trong sạch, hoan hỷ quay trở về nương tựa tam bảo. Khi biết ý nghĩa của quy y và thọ pháp ngũ giới rồi, Sư tin quý vị càng hoan hỷ hơn. Chúc quý vị an lạc trong chánh pháp và luôn gặp được may mắn trong cuộc sống.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.21/6/2021.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment