Wednesday, June 16, 2021
Quyển thứ nhất.
Bài 21
QUAN NIỆM NGÃ PHÁP CÂU HỮU CỦA ĐỘC TỬ BỘ VÀ CÁC BỘ PHÁI THUỘC NÓ. QUAN NIỆM CỦA CÁC BỘ PHÁI KHÁC
Độc tử là tên của bộ chủ. Vị này nguyên là ngoại đạo sau xuất gia thờ tôn giả La hầu la làm thầy. Trước đây, khi còn tại thế Phật thuyết chín phẩm Tỳ đàm, Xá lợi phất giảng rộng gọi là Pháp tướng tỳ đàm, đệ tử của Xá lợi phất là La hầu la hoằng truyền thuyết này, Độc tử tổ thuật lại giáo nghĩa của thầy mình.
Bộ này nổi danh với thuyết Bổ đặc già la, Bổ đặc già la dịch là ngã nhưng ngã này cùng với ngã của ngoại đạo chủ trương là không giống nhau. Ngã của ngoại đạo là nguyên chất sanh hoạt, sanh vật nghĩa là linh thần, Phật giáo cho rằng ngã đó là thường nhất chủ tể, tồn tại ra ngoài năm uẩn nên không chấp nhận.
Còn ngã của Độc tử bộ thì không phải như thế, nó không phải là đương thể của năm uẩn cũng không lìa năm uẩn mà có, nhưng không thể cho rằng ngã này là hoàn toàn không.
Như chúng sanh hiện tại tạo nghiệp nhân thiện ác tất vị lai sẽ cảm quả báo lành dữ, điều này có mối liên hệ giữa ngã (Bổ đặc già la) với đời hiện tại và vị lai. Nếu không có ngã Bổ đặc già la thì chúng sanh sau khi chết, năm uẩn đã diệt làm sao có thể tái sanh ở đời vị lai? Do lý do này mà xác định có Bổ đặc già la có công năng duy trì nghiệp lực.
Lại nữa Phật là bậc Nhất thiết trí Ngài có thể rõ biết các pháp, nếu không có ngã này thì do sự sanh diệt của tâm và tâm sở làm sao Ngài có thể biết được tất cả các pháp (nghĩa là biết tâm của sắc thì không biết tâm, biết tâm của tâm thì không biết sắc).
Nay có ngã Bổ đặc già la thường trụ bất biến, biết sắc biết tâm biết khắp các pháp một cách tự tại, do đó mà tu tập từ địa vị phàm phu đến khi thành Phật luôn có Bổ đặc già la là một thật thể quán thông ba đời. Ngã này không thể gọi là hữu vi của năm uẩn cũng không thể gọi là vô vi của Niết bàn, do vậy chỉ tạm gọi là Bất khả thuyết. Sở dĩ như thế nên tông này được liệt vào “Ngã pháp câu hữu tông”.
Nhưng thuyết Bổ đặc già la chỉ có Độc tử bộ và những bộ từ Độc tử bộ lưu xuất như Pháp thượng bộ, Hiền thủ bộ, Chánh lượng bộ, Mật lâm sơn bộ tín thọ. Ngoài ra các phái Đại, Tiểu thừa không chấp nhận, cho rằng đó là thuyết của ngoại đạo lồng vào tư tưởng đạo Phật.
Danh xưng của ba tông (Pháp vô khứ lai tông, Pháp hữu ngã vô tông, Ngã pháp câu hữu tông) là do sự phán định của các bậc tôn đức tông Hiền thủ (trung quốc), chứ không phải tự thân nó xưng danh. Ba tông nêu ra dưới đây cũng như vậy.
1. Hiện thông giả thật tông: chỉ Thuyết giả bộ, bộ này cho rằng pháp hiện tại của Ngũ uẩn là thật có, ở Giới (Thập bát giới), Xứ (Thập nhị xứ) là giả, ngoài ra đều là bất định.
2. Tục vọng chân thật tông: chỉ Thuyết xuất thế bộ (bài 15 có nói rõ).
3. Chư pháp đản danh tông: chỉ Nhất thuyết bộ.
(Quan niệm) sáu tông trên tóm thâu toàn bộ tư tưởng của 20 bộ phái.
Bài 22
TINH THẦN HỘ PHÁP CỦA VUA A DỤC
Sau Phật Niết bàn 214 năm (nhằm đời Châu noãn vương Trung quốc) tại Ấn độ có vua hiệu là A dục lên ngôi, năm thứ tư nhà vua mới chính thức làm lễ quán đảnh.
Năm thứ chín A dục đích thân đem quân đi đánh xứ Yết tuân già, nằm bên vùng Mãnh già nhỉ hải lạp loan. Trong cuộc chiến đã sát hại vô số dân lành. Nhân cảnh tang tóc đó nhà vua lần hồi nhận ra việc làm sai trái, lại thêm được các vị cao tăng giáo hoá nên phát tâm quy y Phật giáo làm vị Ưu bà tắt.
Kể từ năm thứ 13 đến năm thứ 28 A dục đã lần lượt công bố rất nhiều sắc lệnh, cho rằng sự thắng lợi chân chánh là ở Phật giáo chứ không phải ở võ khí (nhiều sắc lệnh đã được ghi vào đá hiện còn tồn tại ở nhiều địa phương Ấn độ, ngày nay nhờ các văn đá chúng ta biết được tánh tình nhà vua).
A dục từ ngày quy y Phật giáo đã phát khởi đức tin thuần thành kiên cố, nhà vua đã từng hỏi đạo với các bậc cao tăng thạc đức nhiệt tâm bảo hộ chánh pháp, suốt đời lấy từ thiện nhân ái làm tông chỉ, cấm việc săn bắn chài lưới… Đối với việc hoằng pháp trong và ngoài nước nhà vua đã chỉ đạo các bậc cao tăng đem chánh pháp truyền bá, làm cho Phật pháp đương thời phát triển mạnh mẽ, tăng tiến sự an ninh và hạnh phúc cho nhân loại.
Tên các nước và các vị quốc vương trị vì đương thời mà các bậc cao tăng đem chánh pháp truyền đến, được thấy trong các bản sắc văn của nhà vua nay nêu ra như sau.
- Nước Vi á lợi do vua A đề khư tư trị vì (nay là vùng bắc Ấn)
- Nước Ai cập do vua Độ mai lai trị vì (nay là Kiền đà la)
- Nước Mã kỳ do vua An đế cốc trị vì (nay là vùng nam Ấn)
- Nước Đôn khắc la nại do vua Mã ca tư trị vì (nay là vùng An đạt la)
- Nước Ai tỳ lao tư do vua Lịch sơn trị vì (nay là Tích lan)
Căn cứ vào đây chúng ta có thể biết được, Phật pháp du nhập và phát triển tại các lãnh thổ này đều do công đức hộ pháp của vua A dục.
Trước khi A dục quy y, Phật giáo Ấn độ chỉ thạnh hành vùng gần lưu vực Khắc già, sau khi quy y nhà vua đã liên tiếp phái các vị cao tăng đem chánh pháp truyền bá rộng ra làm cho Phật giáo lan tràn khắp thế giới.
Mặc dầu là người theo đạo Phật nhưng nhà vua đối với các tôn giáo khác cũng hết lòng bảo hộ ưu đãi, không gây khó khăn cho bất cứ một tôn giáo nào (nghĩa là không vì theo tín ngưỡng này mà gây khó khăn cho tín ngưỡõng khác).
Đối với tín đồ Phật giáo, nhà vua đặc biệt công bố nhiều sắc lịnh quan trọng, kiến tạo rất nhiều chùa lớn ở đảnh núi gần vùng Ba la đặc thị, ghi chép lại những lời pháp của Phật khuyến khích bốn chúng tư duy tu tập, những bài pháp đó gồm bảy phần sau:
1. Tỳ nại da yếu lược.
2. Sự tự tại của các bậc thánh.
3. Đức bố uý ở vị lai.
4. Ca tụng đức Mâu ni.
5. Kinh Tịch hắc.
6. Ô ba đề sa hỏi Phật.
7. Kinh giáo giới La hầu la.
Bảy pháp trên được thấy trong thánh điển Nam truyền, qua đó chúng ta có thể biết được nhà vua đã hết lòng ủng hộ Phật giáo như thế nào.
Năm thứ 24 vua A dục đã phát tâm đi lễ bái các thánh tích của đức Phật, khởi đầu từ thành Ba tra ly phất hướng về phương bắc qua Tỳ xá ly đến chỗ đức Phật đản sanh. Rồi từ đó nhà vua lại noi theo con đường mà khi xưa đức Phật sắp nhập Niết bàn đi qua thành Câu thi na yết la. Trong lộ trình trải qua năm chỗ nhà vua đều cho dựng năm trụ đá lớn. Đến vườn Lâm tỳ ni vua lại cho dựng trụ đá mà phần trên trụ ngày nay đã sụp phần dưới vẫn còn, văn khắc ghi rõ nhờ đó ngày nay chúng ta có thể biết được các thánh tích của đức Phật.
Nhà vua năm nào cũng đích thân đến chiêm bái các thánh tích Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, Niết bàn… Các cuộc chiêm bái được ghi lại đầy đủ trong A dục vương kinh. Do nghe theo lời chỉ giáo của ngài Ưu ba cúc đa mà vua cho ghi chép, nhờ vậy thuyết chiêm bái thánh tích của A dục có đủ bằng chứng thuyết phục.
Do công lao xây dựng đất nước và hộ đạo vĩ đại của A dục, nên nhà sử học người Anh Vi nhĩ tư trong bộ Thế giới sử cương đã có lời nhận xét như sau:
“A dục đã vì những vấn đề nhu yếu thiết thực của nhân loại mà hết lòng phục vụ suốt hai mươi tám năm. Trong lịch sử thế giới trải qua ngàn ngàn vạn vạn bậc đế vương vĩ đại, uy danh của A dục rực chiếu như một vì sao. Từ Uỷ nhĩ giả hà cho đến Nhật bản tên của A dục đều đựơc mọi người ca tụng kính lễ. Ngày nay Trung quốc, Tây tạng và nước ta (Anh quốc) mặc dầu không theo những giáo nghĩa Ấn độ, nhưng vẫn còn bảo tồn truyền tụng những kỳ tích của nhà vua. Nay thế giới cử hành lễ kỷ niệm A dục, sự kỷ niệm ấy còn long trọng hơn nhiều so với các vị đế vương nổi tiếng như Quân sĩ đát đảnh, Tra lý mạn…”
Bài 23
KIẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ BA VÀ SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO
Cuộc kiết tập kinh điển lần thứ ba còn gọi là Ba thác ly tử thành kiết tập. Nguyên nhân hình thành cuộc kiết tập này đại để như sau.
Lúc đầu A dục tin theo Phật giáo và bảo hộ các tôn giáo khác, nhưng giữa tín đồ Phật giáo và Bà la môn giáo, thỉnh thoảng vẫn xảy ra các cuộc tranh cãi về giáo điển và các mối tranh cãi này không có sự chấm dứt. Do sự kiện đó thể theo lời yêu cầu của các vị cao tăng, nhà vua bèn đến Ba thác ly tử thành mở ra cuộc kiết tập kinh điển, ngõ hầu ngăn chặn các mối tệ hại có thể xảy ra cho Phật giáo. Nguyên nhân hình thành cuộc kết tập như thế là theo thuyết của Nam truyền.
Nay căn cứ vào thuyết Thiện kiến luật của Giác âm và Bộ chấp luận sớ của Chân đế truyền lại, thì sau khi A dục tín ngưỡng Phật giáo nhà vua thường đến cúng dường chư tăng, ngoại đạo do vì thiếu y thực bèn cải trang y phục làm tăng, mặc dầu ở trong chùa viện nhưng hành vi và quan điểm của họ đều trái nghịch và rắp tâm phá hoại Phật giáo, khiến trong nội bộ chư tăng thường xảy ra các cuộc tranh đấu.
A dục hay được hung tin bèn mở cuộc điều tra để đào thải thành phần bất hảo, đưa nhiều vị tặc trụ Tỳ kheo trở lại tôn giáo của họ. Nhưng trong số tặc trụ Tỳ kheo những kẻ bác học đa văn có hơn 100 người, băng đảng ngoại đạo rất mạnh nếu làm thẳng tay sợ có sự khủng bố cho Phật giáo, vì vậy nhà vua xây dựng già lam ở Chế đa sơn gom họ về đây cư trú.
Ngay lúc đó trong nội bộ tăng chúng chùa Kỳ viên xứ Ma kiệt đà, do nhà vua xây dựng lại xảy ra đấu tranh, chư tăng ở đây không chịu hoà hợp thuyết giới sự kiện này kéo dài đến bảy năm. Hay tin vua sai sứ giả đến giải quyết, chư tăng không nghe sứ giả nổi sân giết tăng đồ.
Được tin sứ giả giết chư tăng A dục vô cùng kinh sợ, đích thân đến Kỳ viên sám hối, nhà vua hỏi chư tăng: “Sứ giả giết tăng thì phạm tội gì?” Có vị bảo: “Sứ giả làm theo lịnh vua nên vua mới là người đắc tội.” Hoặc có người bảo: “Nhà vua không có ý sát, việc sát hại này là do sứ giả tự ý nên sứ giả đắc tội”. Hoặc có người bảo: “Cả hai vua và sứ giả đều đắc tội”… Do nhiều người trả lời sai khác, A dục càng thêm hoang mang bèn hỏi đại chúng: “Trong chư tăng ai là người có thể dứt trừ sự nghi ngờ của tôi?” Các bậc Tỳ kheo trưởng lão khuyên vua nên đến tham vấn Thượng toạ Mục kiền liên đế tu.
Nghe theo lời khuyên của các bậc trưởng lão, nhà vua đến núi A hô hà tham vấn các điều nghi ngờ với Quốc sư. Trong Phật pháp có đủ các biện pháp để phân biệt tà chánh, Quốc sư nương vào các biện pháp đó mà mở ra cuộc đào thải các thành phần bất hảo.
Sau khi đào thải xong, thượng toạ Đế tu bèn cho tập hợp các bậc thánh giả tài đức song toàn cử hành lễ Bố tát thuyết giới. Nhân đây đại chúng suy tôn thượng toạ Đế tu làm bậc thượng thủ, tập hợp 1000 vị Tỳ kheo kiết tập tam tạng. Qua cuộc kiết tập đại hội đã đề xuất các yếu nghĩa các tông phái, soạn thành một bộ là Luận sự luận.
Đại hội kiết tập kinh điển hoàn mãn, thượng tạo Đế tu muốn Phật pháp được truyền bá rộng ra các nước, bèn phái các trưởng lão đem theo đồ chúng đi đến các vùng biên địa để hoằng dương chánh pháp. Trong Thiện kiến luật có ghi lại đầy đủ, các giáo đoàn truyền bá Phật giáo ra các nước trong thời đại A dục như sau.
1. Phái đại đức Mạt điền địa đến giáo hoá nước Kế tân và Kiền đà la. Tại đây Ngài nói kinh Thí dụ… tám vạn người đắc đạo một ngàn người xuất gia, nay là phía tây Ấn.
2. Phái đại đức Đại thiên đến giáo hoá nước Ma kê sa mạt đà la. Tại đây Ngài nói kinh Thiên sứ, bốn vạn người đắc pháp nhãn, nay là xứ Di tốc.
3. Phái đại đức Càn khí đà đến giáo hoá nước Ba na bà tư. Tại đây Ngài nói kinh Vô thỉ, sáu vạn người đắc đạo bảy ngàn người xuất gia, nay là trung ương La đế bố đà.
4. Phái đại đức Đàm vô đức đến giáo hoá nước A bà lam da ca. Tại đây Ngài nói kinh Hoả tụ dụ, ba vạn người đắc thiên nhãn hai ngàn người xuất gia, nay là phía tây Ngũ hà.
5. Phái đại đức Đại đàm vô đức đến giáo hoá nước Ma ha lặc đà. Tại đây Ngài nói kinh Ca diếp bổn, bốn vạn người đắc đạo ba ngàn người xuất gia, nay là phía đông xứ Mãnh mại.
6. Phái đại đức Lặc khí đa đến giáo hoá nước Du na thế giới. Tại đây Ngài nói kinh Ca la ma na, bảy vạn người đắc đạo một ngàn người xuất gia, nay là nước Hy lạp.
7. Phái đại đức Mạt thị ma đến giáo hoá vùng gần Tuyết sơn. Tại đây Ngài nói kinh Sơ chuyển pháp luân, tám ức người đắc đạo tám trăm người xuất gia, nay là xứ Ni bạc nhĩ.
8. Phái đại đức Tu ca na uất đa la đến giáo hoá nước Kim địa. Tại đây Ngài nói kinh Phạm võng, sáu vạn người đắc đạo tám ngàn người xuất gia, nay là Miến điện và Mãnh cốc.
9. Phái đại đức Ma sấn đà đến giáo hoá nước Đồng diệp. Tại đây Ngài nói kinh Vô thỉ giới và Hoả tụ dụ, tám mươi lăm ngàn người đắc đạo, nay là Tích lan.
Bài 24
THỜI ĐẠI CA NỊ SẮC CA.
KIẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ TƯ
Từ A dục trở về sau cho đến thời đại Ca nị sắc ca, trong khoảng thời gian 300 năm lịch sử Ấn độ trải qua thời kỳ hoàn toàn đen tối. Căn cứ vào các di vật của thời kỳ này còn lưu lại, các vị vua đều tín ngưỡng ngoại đạo Phật giáo có sự ảnh hưởng rất ít.
Đến thời đại Ca nị sắc ca xuất hiện nhằm Phật Niết bàn 600 năm (khoảng trước dân quốc 1600 – 1700 năm, đời Hán Thuận đế năm Dương gia thứ bốn), nhà vua lại tín ngưỡng và bảo hộ Phật giáo. Tên của Ca nị sắc ca được thấy trong các sách vở Phật giáo các nước Mông cổ, Tây tạng… đều có truyền lại, gần đây lại tìm ra được bằng chứng, nhờ đó chúng ta có thể biết được sự thật về cuộc đời hộ pháp của nhà vua.
Ca nị sắc ca đã cho xây một đại bảo tháp ở Phú lâu na bộ sa để thờ Phật. Bảo tháp này cao hơn bốn chục trượng uy nghiêm lộng lẫy, không có ngôi tháp nào bì kịp đẹp nhất ở xứ Ấn độ.
Nhưng công lao nổi bậc hơn cả của nhà vua đối với Phật giáo, là mở ra cuộc kiết tập kinh điển lần thứ tư. Cuộc kết tập này nhằm tóm thâu tam tạng về một mối, để hoàn thành trọn vẹn học thuyết Nhất thiết hữu bộ.
Căn cứ vào các tư liệu do Huyền trang để lại, thì nhà vua đặc biệt tôn sùng Hữu bộ do đó đã cử hành cuộc kết tập kinh điển. Lại gần đây có người phương tây đã khảo quật tìm được một hòn xá lợi phía trước hòm có ghi: “Nạp thọ Nhất thiết hữu bộ chúng” (Tôi tin theo Nhất thiết hữu bộ). Điều này có thể làm chứng cứ việc tin theo thuyết Nhất thiết hữu bộ của Ca nị sắc ca.
Căn cứ vào các truyền thuyết Tây tạng, nhà vua ở tại tinh xá Nhĩ hoàn lâm thuộc xứ Ca thấp di la, chiêu tập 500 vị A la hán, 500 vị Bồ tát và 500 vị đại gia học tượng kiết tập lại những lời Phật dạy.
Bởi trước thời gian kiết tậïp 100 năm 18 bộ phái luôn xảy ra các việc đối kháng, sau khi kiết tập các bộ phái đều nhận rõ tư tưởng của mỗi bộ phái đều hoàn toàn đúng với tinh thần Phật giáo. Nhân đây đại hội bèn ghi chép lại luật văn kinh văn tuyển tập thành bộ Đại tỳ bà sa luận.
Xét giáo điển kết tập lần thứ tư tợ hồ dung thông với toàn bộ phái, nhưng nhà vua đặc biệt sùng tín Hữu bộ như đã có xác chứng, vã lại xứ Ca thấp di la là căn cứ địa của Hữu bộ, nên đại hội kiết tập lần này xảy ra tại vùng đất Hữu bộ điều này là hoàn toàn hợp lý.
Ngoài ra nhà vua có công lao lớn trong việc kiến thiết đất nước, đã xây dựng đường xá quan trọng để mở rộng sự giao lưu với các nước đông và tây, nhờ đó Phật giáo được truyền bá rộng ra khắp nơi. Công lao hộ pháp của Ca nị sắc ca không kém A dục.
Thời đó các địa phương Ấn độ Phật giáo Đại thừa đã phát triển mạnh mẽ, vì vậy các thuyết Tây tạng, Trung quốc… đều cho rằng giữa Ca nị sắc ca và Mã minh có mối quan hệ với nhau.
Bài 25
MÃ MINH
CÁC KHU VỰC THỊNH HÀNH PHẬT GIÁO
Ấn độ Phật giáo sử lược nói: “Mã minh trước khi xuất gia từng theo ngoại đạo, thi văn rất giỏi thông suốt tư tưởng Phệ đà và các chi phái Phệ đà chân ngôn giáo quỷ. Ngài còn có các tên khác như Hắc nan phục, Nan phục hắc, Dõng mẫu nhi, Phụ nhi, Pháp thiện hiện, Thải tuệ… Sau khi được Hiếp tôn giả cảm hoá liền quy y và trở thành một bậc thi nhân tài ba trong Phật giáo. Các tác phẩm nổi bậc của Ngài đã được phiên dịch như Phật sở hạnh tán, Bách ngũ thập tán Phật tụng, Đại trang nghiêm kinh luận, Bổn sanh man luận… hai bộ đầu thuần tuý trường thiên văn vần, hai bộ sau ngoài phần văn vần còn có phần văn xuôi. Còn bộ luận sau trừ phần đầu ra không có bản phạn, phần sau e có thể là do các dịch giả đời sau thêm vào?
Trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận, phần tựa Quy kính có đoạn: “Phú na, Hiếp tỳ kheo, Di chức chư luận sư, Tát bà thất bà chúng, Ngưu vương chánh đạo giả, Thị đẳng chư luận sư, Ngã đẳng giai kính thuận” (Phú na, Hiếp tỳ kheo, các luận sư Di chức, chúng Tát bà thất bà, bậc ngưu vương chánh đạo, các luận sư như thế, tôi nay đều kính thuận).
Phú na, Hiếp tôn giả là hai bậc cao tăng Phật giáo thầy của Mã minh, Di chức tức Hoá địa bộ, Tát bà thất bà tức Nhất thiết hữu bộ, Ngưu vương chánh đạo e không lầm là Kê dẫn bộ. Do đây chúng ta có thể biết Mã minh đã theo học các bộ phái mà không câu nệ bất kỳ bộ phái nào.
Sau này ở Trung quốc có truyền bộ luận Đại thừa khởi tín đề là Mã minh trước tác. Trải qua các cuộc khảo sát của những học giả hiện đại thì bộ luận này vẫn chưa ngã ngũ giữa Mã minh hay các pháp sư Trung hoa ai là tác giả.
Các khu vực Phật giáo thạnh hành.
Ấn độ Phật giáo sử lược nói: kể từ khi A dục nhiệt tâm truyền bá chánh pháp cho đến ngày nay, các khu vực tây bắc, tây nam của Ấn độ Phật giáo rất thịnh hành. Các nước như Ca thấp di la, Kiền đà la sau khi được đại đức Mạt điền địa đem Phật giáo truyền vào, lần hồi có học giả các nơi quy tụ rất nhiều, trong đó thịnh hành nhất là Thuyết nhất thiết hữu bộ.
Đến giai đoạn Phật nhập diệt hơn 500 năm, có pháp sư Pháp thắng ở Hỏa thổ la trước tác A tỳ đàm tâm luận, lại có cuộc tranh luận giữa Tỳ kheo Na tiên với vua Di lan đà. Tại tây nam Ấn cũng là khu vực Phật giáo thịnh hành, chứng tích Phật giáo nơi các địa phương này, vẫn còn rải rác xen lẫn nơi các động đá, Tốt đổ ba (tháp miếu). Nương vào các chứng tích còn lưu lại, chúng ta có thể biết được sự thạnh hành Phật giáo tại các khu vực này vào thời bấy giờ.
Lại các xứ như Cụ nại thải ca da… ở trung Ấn, ngày nay các nhà khảo cổ đã phát quật được các kiến trúc Phật giáo và các văn bản ghi chép cẩn thận các cuộc chiêm bái thánh tích của vua A dục, nhờ vào các cuộc khai quật chúng ta có thể biết được, Phật giáo đã từng có mặt tại các địa phương này nhưng không được thạnh hành lắm.
So sánh giữa các địa phương có Phật giáo lưu hành, có thể kết luận Phật giáo rất thạnh hành ở phía nam Tích lan kế là xứ Ma nạp bà ở tây nam Ấn. Lại Phật giáo phát triển về hướng bắc Ấn là xứ Ca thấp di la, Kiềân đà la… còn phía đông bắc Ấn chủ yếu là thế lực của Kỳ na giáo. Phía đông nam Ấn dân tộc Đà di nhĩ cũng không có tín ngưỡng Phật giáo. Vả lại Kỳ na giáo thường xâm nhập Tích lan, sát hại tín đồ phá hại chùa chiền ngược đãi chư tăng…
Các khu vực trên đều nhờ vào sự khảo sát các di vật, mà biết được hành tích lưu hành Phật giáo đương thời. Nếu xét tư tưởng nội bộ Phật giáo phân hóa để biết được các địa phương lưu hành Phật giáo, chúng ta không biết nương vào tư liệu nào để làm sáng tỏ. Trong các tư liệu liên quan đến sự phân hóa tư tưởng bộ phái, chỉ có bộ Luận sự luận của thượng tọa Đế tu trước tác có nêu ra các đề mục, quan điểm sai khác của mỗi bộ phái và thêm vào ý kiến phê bình, nhưng thật ra cũng không ngoài bàn tay của một người nhào nặn, trong đó còn có biết bao bộ trước và sau thời Ca nị sắc ca đã hoàn thành. Trong phần mục lục của luận này ghi rõ 216 bộ, so với thuyết Bắc truyền Tông luân luận của Thế hữu thì rõ ràng hơn nhiều
Nếu đem cả hai thuyết Bắc truyền và Nam truyền bổ túc mà so sánh, thì vào thời đại Ca nị sắc ca, giáo nghĩa tư tưởng Phật giáo đã có sự biến hóa phát triển. Đối với vấn đề các lưu vực thạnh hành Phật giáo, chúng ta chỉ có thể biết được một cách khái lược như thế mà thôi.
Bài 26
KHÁI QUÁT VỀ ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO
Sau Phật Niết bàn khoảng 700 năm (trước Dân quốc hơn 1700 năm thời Hán Hiến đế) Ấn độ Phật giáo sử lược nói: “Long thọ kế tục Mã minh xuất hiện, tóm thâu những điểm sâu rộng mà đại xướng chủ nghĩa Trung quán duyên sanh pháp giai không vô sở đắc, nhân đây xuất hiện danh xưng Đại thừa (Ma ha diễn) truyền rộng trong nhân gian, tức giáo nghĩa Nhất thiết hữu tình thành Phật. Đại thừa đối với giáo nghĩa thành A la hán với tính cách châm biếm gọi là Tiểu thừa, danh xưng Tiểu thừa cũng bắt đầu có từ đó.
Qua 200 năm sau (nhằm thời Đông tấn) Bà la môn giáo và Phạm văn học lần hồi phục hưng, nội bộ Phật giáo do đó chịu sự ảnh hưởng khiến có sự điều hòa tư tưởng lẫn nhau rất lớn. Trong các tông Tiểu thừa như Thuyết nhất thiết hữu bộ cùng Đại thừa cạnh tranh phát triển. Bắt đầu từ đó trong Đại thừa Phật giáo tách biệt thành hai trường phái lớn là Hiển giáo và Mật giáo.
Trong Hiển giáo lại chia thành hai đại trào lưu. Trào lưu hình thành sớm nhất là chủ nghĩa Trung quán do Long thọ chủ xướng lấy Tục hữu chân không làm liễu nghĩa. Trào lưu thứ hai là A lại da duyên khởi do Vô trước khởi xướng còn gọi Du già tông, lấy Tam giơí duy tâm làm liễu nghĩa. Cả hai trào lưu này đều đặt nặng phần trí tuệ, chính thuộc Đại thừa.
Ngoài ra Đại thừa Phật giáo ở giai đoạn này, còn phát huy phương diện cảm tình tín ngưỡng mà hình thành học thuyết Tha lực với ý nghĩa sâu rộng, xưng danh lễ Phật gia trì cầu nguyện, chuyên cứu độ hàng chúng sanh có tín tâm, mong cảm sức nhiếp thọ gia bị của chư Phật Bồ tát cầu được vãng sanh về thế giới Tịnh độ. Phương diện cảm tình tín ngưỡng này chính là điểm khởi nguyên để hình thành Đại thừa Mật giáo sau này. Niên đại sáng khởi cùng với địa phương hình thành học thuyết Tha lực, ngày nay đều mờ mịt không có sự khảo cứu chính xác. Chỉ biết học thuyết này phôi thai ở thời đại Long thọ đó là sự thật.
Sau Phật Niết bàn 900 năm kể từ thời đại Vô trước, Thế thân, Tiểu thừa lần hồi suy yếu, còn Đại thừa thì phát triển đến mức cực thịnh, đến khi Phật Niết bàn 1100 năm (đời Tùy trước Dân quốc hơn 1300 năm) Bí mật giáo chính thức xuất hiện, do một số tín đồ Phật giáo đại thành học thuyết ấy.
So sánh về mặt giáo lý giữa Mật giáo và Hiển giáo, thì Hiển giáo lấy Vô minh duyên khởi làm giáo nghĩa căn bản, lý bình đẳng còn sự thì sai biệt, lý sự không tương tức bất nhị. Mật giáo thì ngược lại lập đạo lý bản hữu, chủ trương lý sự bình đẳng nhất đa vô tâm, do đó giáo nghĩa của Mật giáo tợ hồ như học thuyết “Hiện tượng tức thị tại”, “Vạn hữu tức nhất thần”… Nghĩa là giáo nghĩa Mật giáo cho rằng, vạn hữu vũ trụ thảy đều là bản thể của Ma ha Tỳ lô giá na, chúng sanh cũng là một bộ phận trong bản thể đó, chí đến sợi lông, hạt bụi… cũng không ra ngoài bản thể. Đến chỗ người thuyết kinh cũng là Pháp thân Đại nhật thuyết cùng với Ưùng thân Thích ca thuyết có sự sai khác.
Mật tông chú trọng đến hình thức, nguồn gốc của tông này rất lâu đời, bao hàm cả chú thuật của thời đại Phệ đà và việc cầu đảo gia trì của học thuyết Bà la ma nỗ, dùng hình thức tín ngưỡng thông tục, ba nghiệp thân khẩu ý đều thực hành, thảy đều tóm thâu trong ý nghĩa bí mật.
Do giáo lý và phương diện hình thức đều lấy bí mật làm căn bản, nên gọi là Bí mật giáo (Mật giáo), Phật giáo ngoài Mật giáo gọi là Hiển giáo. Nhưng nói bí mật chẳng qua là che đậy, nhằm chỉ hiện tượng tức chân tướng sự thật, đó chẳng phải là chỗ tri kiến phàm phu có thể thấu đạt, nên tạm gọi là Bí mật giáo vậy.
Bài 27
SỰ HƯNG LONG CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Sự hưng long của Phật giáo Đại thừa. Đại thừa tìm về nguồn gốc là do từ kim khẩu của đức Phật trực tiếp nói ra mà lần hồi phát triển. Kể từ Phật Niết bàn 100 năm có Đại chúng bộ và sau 100 năm từ Đại chúng bộ lưu xuất rất nhiều bộ phái, tức đã hàm chứa các phần tử Đại thừa.
Phương diện khác, khi các bộ phái tiếp xúc với Bà la môn giáo nên có phương thức cải biến từ Bà la môn, đến thời đại Ca nị sắc ca thì đạt đến nhuần nhuyễn. Thông thường căn cứ trên địa lý mà khảo sát trạng huống phân bổ chủ nghĩa Đại thừa trong thời đại này.
Do nam Ấn dộ vốn là căn cứ địa của Đại chúng bộ, nên chủ nghĩa Bát nhã pháp tánh giai không khởi nguyên tại vùng này. Bởi Phật giáo là tôn giáo đặt nặng trí tuệ mà đặt nặng trí tuệ chính là lập trường căn bản của Đại thừa. Nếu xét theo địa phương thì Ấn độ thuộc Đại thừa Phật giáo.
Tây vực .
Bắc ấn kể từ thời đại A dục về sau cùng với Hy lạp, Ba tư có mối thông thương, nên các học giả Phật giáo xuất hiện ít nhiều đều chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo Hy lạp, Ba tư. Mà tư tưởng của các tôn giáo này đặt nặng về tín ngưỡng thần học, vì vậy Phật giáo tại đây manh nha chủ trương cầu nguyện, tha lực vãng sanh… đây chính là tư tưởng Đại thừa, chủ trương tha lực này có thể gọi là “Chủ tình đích đại thừa”, nếu xét theo địa phương thì xứ Tây vức cũng thuộc Đại thừa giáo.
Nam Ấn.
Cội nguồn của Phật giáo Đại thừa tại phương nam khó có thể xác định vị trí nào, căn cứ thuyết của Tây tạng thì các học giả Án đạt la đã có kinh Bát nhã và các kinh điển Đại thừa khác, mà các bản kinh đều dùng tục ngữ Ấn độ ghi chép, như các bộ Đông sơn, Tây sơn, Bắc sơn truyền ở phía nam, kinh điểûn Đại thừa lưu xuất từ đây. Trong kinh Bát nhã có đoạn: “Sau khi Phật Niết bàn kinh này đến phương nam, từ phương nam lần đến phương tây và truyền sang phương bắc” đây là lời dụ ký của Phật cũng là sử liệu chính xác ghi chép Đại thừa Phật giáo từ phương nam lưu chuyển. Giáo lý Bát nhã mặc dầu do Phật thuyết, nhưng lúc đầu truyền đến phương nam thì nguồn gốc Bát nhã xuất phát tại nam Ấn vậy.
Bắc Ấn.
Khu vực nào phát xuất Phật giáo phương bắc ngày nay thật mờ mịt, chỉ căn cứ vào ký thuật của Huyền trang (Đường) để tìm hiểu. Theo Tây vực ký phía tây cách Sở cú ca 800 dặm có xứ Cù tát thư na tức Vu chấn, tại đây số lượng kinh điển Đại thừa rất nhiều, tuy nhiên Phật giáo Vu chấn không được thạnh hành.
Thập vạn tụng là bộ luận có đến mười ngàn bài tụng, tại xứ này bộ luận lưu truyền rộng ra khắp nơi, hoặc có thể nói nước Vu chấn là căn cứ địa phát triển Phật giáo bắc Ấn.
Nguồn cội.
Theo thuyết Tây tạng, các kinh điển Đại thừa trước và sau thời Ca nị sắc ca đã lan truyền rộng rãi. Các bản kinh này do Trời, Rồng, Kiền đạt phược, La sát… bảo hộ nhưng kinh điển Đại thừa đa phần xuất phát ở Long cung. Như trong Long thọ Bồ tát truyện có đoạn: “ ngoài long cung, ở Tuyết sơn có vị Tỳ kheo đã truyền kinh điển Đại thừa cho Long thọ” hoặc bởi trời, rồng là những vị có tuổi thọ dài nên họ đã suy tưởng như thế.
Tóm lại tín đồ Đại thừa giáo đã thích ứng theo tư tưởng yêu cầu của thời đại, rồi ở trong các lời Phật dạy họ căn cứ theo đó mà suy tưởng, khuyếch trương rộng ra cho phù hợp đây là sự thật không chút nghi ngờ.
Hệ thống.
Hệ thống Đại thừa Trung quán tông do Long thọ chủ xướng, phần nhiều có liên hệ với Đại chúng bộ. Giáo nghĩa căn bản của Đại chúng bộ là “Quá vị vô thể” (pháp quá khứ, vị lai đều không có thật thể) Long thọ cải biên thuyết này thành Vô tướng giai không luận, cho rằng các pháp sanh tử, Niết bàn, Tam thế… đều là giả danh không thật. Thượng toạ bộ chủ trương các pháp hữu vi bản thể là thật có, bởi nhân duyên hòa hợp khiến sanh diệt thành pháp tam thế, còn pháp vô vi là lìa tất cả nhân duyên thời gian nên pháp tự đầy đủ do đây vô vi nghĩa là vô tác dụng.
Lại Nguyên thỉ Phật giáo cho rằng chúng sanh do nghiệp nên bị sanh tử luân hồi, như thế nếu nghiệp nhân và nghiệp quả thể của nó không có sự đồng nhất ở ba đời, thì việc tu thiện tích đức đều chẳng có tác dụng, vậy làm sao chúng sanh tu hành hy vọng thành Phật được?
Do đây trong thuyết vô ngã của Phật giáo đương nhiên phải có một pháp thể, quán triệt sự sanh tử luân hồi từ vô thể cho đến ngày nay. Pháp thể đó Đại chúng bộ gọi là Căn bản thức, Hoá địa bộ gọi là Cùng sanh tử uẩn, Kinh lượng bộ gọi là Kinh muội uẩn… Nhân đây mỗi chủ trương các bộ phái không thể không có mối quan hệ, bởi A lai da thức là Căn bản thức có đầy đủ công năng biến khởi ra vạn pháp. Hệ thống hai đại trào lưu của Đại thừa có thể biểu thị bằng biểu đồ sau.
bai_27
Bài 28
LONG THỌ
Ấn độ Phật giáo sử lược nói: “Long thọ phiên âm là Long mãnh hoặc Long thắng xuất hiện trước Dân quốc 1600 – 1700 năm, sanh vùng Bối lạp nhĩ thuộc nam Ấn dòng dõi Bà la môn. Ngài thiên tánh kỳ đặc trí huệ uyên thâm, xem nghe một lần là nhớ hết không cần hỏi lại. Thiếu thời đối với kinh điển Bà la môn đều đã đọc qua, khi lớn lên lại tinh thông các môn thiên văn, địa lý và nhiều học thuật khác.
Ngài cùng ba người bạn thân cùng tranh luận, nói lên những sở thích của đời mình, lại từng ẩn thân ra vào nơi hậu cung quốc vương khiến tiếng xấu vang khắp. Sau nhận thấy lỗi lầm sanh tâm hối cải trở về xuất gia theo Phật giáo, trong vòng chỉ vài tháng Ngài đã đọc hết tam tạng, lại có ý tìm cầu các kinh điển khác nhưng chưa đạt thành được sở nguyện.
Nhân khi du hành đến Tuyết sơn, tại đây Ngài gặp được vị Tỳ kheo già truyền dạy kinh điển Đại thừa. Kế Ngài đi đến các xứ khác cùng với các luận sư ngoại đạo tranh luận và đều hàng phục họ.
Sau Ngài tự nghĩ, giáo nghĩa tuy nhiều nhưng con đường giải thoát chỉ là một, kinh điển tuy ý nghĩa vi diệu nhưng nghĩa lý vẫn chưa phát minh hết, muốn hoằng dương chánh pháp mà không giáo hóa kẻ hậu học thì không thể được, nhân đây nảy sanh chí nguyện cách tân Phật giáo. Ngài bèn đối với kinh điển Đại thừa tạo ra rất nhiều bộ luận, ở nam Ấn nỗ lực tuyên dương Đại thừa Phật giáo.
Có thuyết cho rằng, thầy của Ngài là La hầu la bạt đà la tức là vị Tỳ kheo già ở Tuyết sơn. Tông chỉ của Ngài tuyên thuyết là Trung quán, do vì thật tướng của vạn hữu vũ tru,ï không phải là cảnh giới mà phàm tình có thể suy lường thấu đạt được, nói có nói không đều rơi vào tà chấp một bên (thiên chấp). Dù có sở đắc cũng rơi vào tà kiến, nay dùng Vô tướng giai không luận để phá trừ mối chấp ấy quy về trung đạo quán. Chủ trương này xuất phát từ kinh Bát nhã.
Lại một phương diện khác là dùng chủ nghĩa tha lực của Đại thừa Phật giáo bắc phương, như chương Dị hành đạo trong Thập trụ tỳ bà sa luận nói: “Hành giả muốn tu tập đạt đến quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác bất thối chuyển, có hai đường đó là Dị hành đạo và Nan hành đạo. Nan hành đạo là ngày đêm tinh tấn tu tập không tiếc thân mạng, mà chứng được Bất thối chuyển còn Dị hành đạo là phương tiện niệm các danh hiệu Phật như Phật A di đà, Thích ca, Di lặc… mà mau chứng được Bất thối chuyển. Nan hành đạo thuộc về tự lực Dị hành đạo thuộc về tha lực…”. Trong Dị hành đạo Long thọ đặc biệt chú trọng tịnh độ Phật A di đà. Tư tưởng tự lực và tha lực này vốn hình thành rất sớm ở Ấn độ, nên không thể cho rằng Long thọ là người khai sáng được.
Long thọ chỉ là người đề xướng thuyết Vô sở đắc, còn những lời dạy về thực hành tha lực vãng sanh vốn ở trong Đại thừa nhập lăng già đã có nói. Kinh nói: “ Nam thiên trúc quốc trung, Đại danh đức tỳ kheo, Quyết hiệu vi Long thọ, Năng phá hữu vô tông, Thế gian trung hiển ngã, Vô thượng đại thừa pháp, Đắc sơ hoan hỷ địa, Vãng sanh An lạc quốc” (trong xứ nam thiên trúc, có danh đức Tỳ kheo, tôn hiệu là Long thọ, khéo phá hữu vô tông, trong thế gian hiển ngã, được Sơ hoan hỷ địa, sanh về nước Cực lạc) tức chỉ việc này.
Lại Long thọ khi ở tháp sắt nam Thiên trúc được diện kiến Bồ tát Kim cang tát đỏa truyền thọ kinh Đại nhật, liền thông đạt Trì minh tạng (các loại chú thuật) làm vị tổ Bí mật giáo hậu thế. Do đây một mình Ngài xướng đạo cả hai dòng Hiển và Mật. Vì thế Trung quốc và Tây tạng đều tôn Ngài là vị Tổ sư của Đại thừa Phật giáo điều này là không sai vậy.
Bài 29
SỰ SAI BIỆT GIỮA ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA
Đại thừa tức giáo nghĩa tất cả chúng sanh đều thành Phật. Thừa có nghĩa là chuyên chơ,û nghĩa là chuyên chở tự thân đi đến giải thoát là Tiểu thừa, chuyên chờ mình và người đồng đi đến giai thoát là Đại thừa.
Nguyên thủy Phật giáo thì giữa Phật và đệ tử có sự phân biệt, nghĩa là Phật thuyết pháp tự chứng các hàng đệ tử nghe theo tu hành, đối với trí giải, đức hạnh cho đến mỗi động tác tới lui… đều cho rằng thầy vượt trội hơn đệ tử, vì thế đệ tử chỉ cầu chứng được quả A la hán.
Sau khi Phật Niết bàn đệ tử lấy pháp của Phật thuyết làm chỗ y cứ, pháp này giải thích theo nghĩa hẹp là 37 phẩm trợ đạo, giải thích theo nghĩa rộng là tất cả các pháp. Đại thừa nương theo nghĩa rộng của pháp, cho rằng dù có Phật hay không có Phật xuất thế pháp đó vẫn tự thường trú, Thích ca lấy pháp làm thầy mà tự thân giác ngộ, phàm ai cùng Thích ca, đồng thuộc thượng căn đồng tu nhân hạnh đồng giác ngộ pháp cũng đồng thành Phật, vì thế tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật.
Bởi vì người tu Đại thừa mong cầu quả chứng bình đẳng với Phật Thích ca, nên lấy tự lợi, lợi tha làm sự nghiệp, như trong Đại trí độ luận của Long thọ nói: “Phật pháp vốn đồng một vị một loại, là vị giải thoát diệt trừ các khổ, nhưng trong vị giải thoát đó chia làm hai loại, một là chỉ vì giải thoát tự thân hai là kiêm thêm tất cả chúng sanh. Tuy đồng cầu một cửa giải thoát nhưng có sự sai khác tự lợi, lợi tha do đó nên có Đại thừa và Tiểu thừa sai biệt”.
Giáo nghĩa căn bản của Đại thừa đại để là như vậy, đến đời sau này cho rằng sự sai biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa không chỉ ở nguyên nhân mà còn xảy ra sự tranh biện ở quả vị giải thoát, nên trong Nhập đại thừa luận của Kiên ý đệ tử đích tôn của Long thọ cho rằng, nhân quả của Đại thừa và Tiểu thừa có sự trái nghịch nhau. Giáo nghĩa của mỗi thừa đại để như sau.
bai_29
Quan sát biểu đồ trên có thể biết, ban sơ Phật và chúng sanh đều đồng một vị giải thoát, người sau cho rằng giữa Thanh văn và Đại thừa sự giải thoát khác nhau. Đến thời dại Vô trước định nghĩa về Đại thừa lại càng tinh vi hơn. Ngài là vị tổ thuật thuyết của Di lặc Bồ tát thấy ở trong Du già sư địa luận (q16), cho rằng pháp nào tương ứng với Thất đại tánh là pháp Đại thừa, như biểu đồ sau.
bai_29-2
Đại thừa và Tiểu thừa chủ trương về Phật pháp tăng Tam bảo cũng có sự sai khác. Nguyên thỉ Phật giáo chủ trương ba ngôi Phật pháp tăng theo thứ lớp, nghĩa là có Phật nói Pháp và hàng đệ tử nghe pháp tu hành đó là Tam bảo.
Còn Đại thừa xem Pháp là quan trọng hơn cả cho nên trước đề cử Pháp quán thông ba đời, chuyên chở Pháp này mà đắc thành chánh giác là Phật, ý cho rằng Pháp không chỉ gói gọn trong những lời Phật dạy mà còn bao gồm ý nghĩa rộng lớn hơn. Pháp là chân như thật tướng, Phật và Tăng đều từ Pháp sanh ra, vì vậy theo thứ lớp trước là Pháp và sau là Phật và Tăng, như sau.
Nguyên thỉ Phật giáo.
Pháp do Phật nói ------------Pháp tắc------------Quỷ sanh vật giải
Đại thừa Phật giáo.
Phật do pháp sanh------------Pháp tánh------------ Nhậm trì tự tánh.
Bài 30
NĂNG CHỨNG NHÂN, NĂNG THUYÊN GIÁO
VÀ SỞ THUYÊN LÝ CỦA ĐẠI THỪA
Năng chứng nhân (người tu chứng).
Ấn độ Phật giáo sử lược nói: Phật do quán pháp như thật mà thành ở quả vị, Bồ tát do khéo tu chứng ở nhân vị, nhân quả ở đây tuy có khác nhưng đều đầy đủ nơi người tu chứng.
Trước nói về quả vị Phật đà. Quan niệm về Phật đà ban sơ vốn ám chỉ đức Thích ca mâu ni bậc đạo sư của trời người, kế đến nói tất cả chư Phật tướng hảo quang minh đầy đủ đại dụng cứu độ chúng sanh. Đại thừa không chỉ là lìa phiền não đạt đạo quả, mà còn nói về nhân hạnh của Phật tích tập rộng lớn trong nhiều đời quá khứ, nên kết quả đời này có đại dụng thành đạo lợi sanh. Đối với các việc nhẫn những điều khó nhẫn làm những điều khó làm, đời trước của Phật có thể thấy ở trong Bổn sanh đàm. Kế lại giải thích ý nghĩa ba thân Phật.
Đầy đủ vô lượng tướng hảo trang nghiêm sắc tướng vi diệu, bi trí viên mãn hóa độ lợi ích chúng sanh không ngừng nghĩ đây là chân Phật, gọi làBáo thân hay Tha thọ dụng thân.
Thích ca thân cao trượng sáu là hóa Phật gọi là Ưùng thân, Hóa thân.
(Thuyết hai thân trên giống với thuyết Đại chúng bộ).
Báo thân là thân hiện thật của pháp còn gọi là Pháp thân, hoặc cho rằng Phật chính là hiện thật của pháp, thấy Phật tức thấy pháp thấy pháp cũng không khác thấy Phật, Phật và pháp đều đồng nhất quan niệm. Thân có nghĩa là tích chứa, phàm cái gì tích chứa tất cả pháp đều gọi là Pháp thân.
Kế nói về nhân vị của người tu tập. Nguyên thỉ Phật giáo cho rằng hàng Thanh văn đệ tử tu tập, bằng cách quán Tứ niệm xứ thực hành Bát chánh đạo, hiện đời xa lìa tất cả phiền não mà đạt đến quả vị giải thoát. Lại sự giải thoát giữa Thanh văn và Phật quả có sai khác, tức các hạnh từ bi, trí huệ… có sâu cạn rộng hẹp. Bồ tát Đại thừa không chỉ ước nguyện giải thoát đồng Phật mà các hạnh từ bi, trí tuệ… cũng nguyện bình đẳng với Phật, ba đức Từ bi, Bát nhã, Giải thoát đầy đủ để thành Phật, quan điểm giải thoát của Đại thừa so với Nguyên thỉ Phật giáo cao hơn một bậc. Vì thế phương pháp tu tập của Đại thừa không phải dễ thực hành, thời gian tu tập để thành tựu cũng lâu xa hơn, phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp.
Năng thuyên giáo. (ý nghĩa giáo pháp )
Tam tạng là Thuyên Đại thừa và Thuận Đại thừa. Danh xưng tam tạng tuy xưa nay gọi chung là Phật điển, nhưng các bộ phái không hẳn đã chấp nhận danh xưng đó. Mỗi bộ phái hoặc thêm vào Tạp tạng, Bồ tát tạng… mà có tứ tạng, ngũ tạng, bát tạng sai khác.
Đại thừa Phật giáo cho rằng ngoài tam tạng ra còn có rất nhiều thánh điển, vì vậy trong các kinh luận như Pháp hoa, Đại trí độ luận… đều xem danh xưng tam tạng là chỉ riêng Tiểu thừa Phật giáo, bởi đối với sự sai khác của Tiểu thừa còn có Ma ha diễn giaó.
Ma ha diễn giáo mặc dù cũng đầy đủ tam tạng kinh, luật, luận, sự chế tác của nó tuy không hẳn xuất phát từ đức Phật, nhưng nội dung căn bản cũng tương đồng với những lời Phật dạy.
Trong luận Đại trí độ thường nêu năm hạng người có thể thuyết Phật pháp là 1. Phật thuyết, 2. Đệ tử của Phật thuyết, 3. Tiên nhân thuyết, 4. Thiên thuyết, 5. Hóa nhân thuyết.
Do đây chúng ta có thể biết được hệ thống tổ chức giáo điển của Đại thừa rất phức tạp. Ví dụ như kinh Hoa nghiêm gồm 40 phẩm, trong đó từ kim khẩu Phật thuyết chỉ là hai phẩm, các phẩm khác là do chư vị Bồ tát thuyết.
Sở thuyên lý (nghĩa lý giáo pháp)
Nghĩa lý giáo pháp Đại thừa cho rằng lý Chân như hoặc Pháp nhĩ như thị, do hiện tượng mà thấy được lý thật tại. Thanh văn giáo chỉ quán nhân vô ngã còn Bồ tát thì quán cả nhân vô ngã và pháp vô ngã.
Trong kinh Niết bàn (bản dịch Đàm vô sấm) phẩm mười bốn nói: “Ta xưa ở thành Ba la nại trong khi chuyển pháp luân thuyết khổ, không, vô thường, vô ngã, nay ở thành Câu thi na chuyển đại pháp luân thuyết thường, lạc, ngã, tịnh…” do đây chúng ta có thể biết được ở vào hai giai đoạn, Phật đã thuyết giáo khác nhau.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.THICH NU CHAN TANH.AUSTRALIA,SYDNEY.17/6/2021.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment